Uống rượu tất niên hết nhóm này đến nhóm khác rồi "kéo nhau" ùn ùn nhập viện

ANTD.VN - Từ Tết dương lịch 2020 đến nay, số ca ngộ độc rượu vào Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu tăng cao, đa số có chung nguyên nhân là tụ tập liên hoan, uống rượu tất niên…

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc

Theo thông tin từ ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu có xu hướng tăng lên trong mùa đông, do thời tiết giá lạnh mùa đông nên nhiều người chuyển từ bia sang uống rượu cho “ấm bụng”.

Đặc biệt, thời điểm cuối năm, bắt đầu từ ngày nghỉ lễ Tết dương lịch vừa qua, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tăng cao, chủ yếu là người trẻ từ 20-40 tuổi, đang trong độ tuổi lao động.

Qua tìm hiểu từ người bệnh, đa số ca nhập viện vì ngộ độc rượu những ngày qua có chung nguyên nhân là rủ nhau tụ tập uống rượu liên hoan tất niên, thậm chí có người bệnh một ngày “chạy đi” uống rượu tất liên đến “vài trận”, với “vài nhóm bạn” khác nhau.

Chẳng hạn, đêm 1-1-2020 (đúng hôm Tết dương lịch), Trung tâm Chống độc tiếp nhận cùng lúc 2 thanh niên trẻ nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, mất kiểm soát sau khi uống rượu chào đón năm mới cùng với bạn bè. 

Người thân của 2 bệnh nhân này cho biết, sau khi uống khá nhiều rượu, các bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt nên phải đưa vào viện cấp cứu luôn. Tại bệnh viện, các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân đang dần được cải thiện nhưng vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, số bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính vào cấp cứu tăng không chỉ vào thời điểm Noel, Tết dương lịch vừa rồi mà chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Lý do vì đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan, uống rượu tất niên, tân niên…

Nói rõ hơn về tác hại của rượu bia với sức khỏe, bác sĩ Nguyên cho biết, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

“Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh” – bác sĩ Nguyên cảnh báo.