Uống nước lạnh thế nào mới tốt?

ANTD.VN - Nhiều người quan niệm, khi ăn nóng hoặc luyện tập, lao động nóng bức nếu uống nhiều nước lạnh sẽ khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn để cân bằng nhiệt lượng, điều này là không hoàn toàn chính xác. 

Đồ uống lạnh có nhiệt độ khoảng 8-15 độ C không gây hại cho hệ tiêu hóa

Chúng ta không nên vừa ăn, vừa uống nước (đặc biệt với nước lạnh), dễ dẫn tới nhanh no, ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa. Tại sao vậy?

Nếu thường xuyên dùng quá nhiều đồ uống lạnh sẽ thiếu nước cung cấp cho tế bào, trong khi lượng nước chiếm 70% khối lượng cơ thể. Ngoài ra, tuy đồ uống lạnh có làm tạm thời sảng khoái nhưng nhiệt không thoát ra được, càng uống nhiều đồ uống lạnh sẽ càng khiến lỗ chân lông bị bít lại, cơ thể không tản được nhiệt ra ngoài, nên cái nóng vẫn không giảm được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, nếu đồ uống lạnh quá mức cho phép sẽ làm cho các vi mạch trong dạ dày, ruột co thắt lại dẫn đến niêm mạc thiếu máu, từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa. Bởi vậy, người trẻ tuổi và sức khỏe bình thường thì có thể dùng đồ uống lạnh có nhiệt độ khoảng 8-15 độ C.

 Đối với người có tuổi, đặc biệt những người mắc bệnh tim mạch, thiểu năng tuần hoàn não càng phải thận trọng khi dùng đồ uống lạnh. Bởi vì không chỉ gây tổn thương đến hệ tiêu hóa mà còn có thể dẫn tới co thắt mạch máu não. Chính vì vậy, người cao tuổi nên hạn chế đến mức tối đa dùng đồ uống lạnh, tốt nhất là uống nước ấm.

Vậy uống nước thế nào mới tốt? Uống nước cần đủ và sạch là được, riêng một số bệnh nhân suy tim mạn tính cần hạn chế lượng nước và muối để giảm tải cho tim, tuy nhiên cũng không phải hạn chế hoàn toàn mà uống đủ theo chỉ định của bác sĩ.