Uống cà phê trộn bột pin Con ó có thể ngộ độc

ANTD.VN -Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

Chuyên gia về ATTP, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thẳng thắn, chúng ta đừng đặt vấn đề là thực phẩm có nhuộm bột Pin Con ó nguy hại như thế nào, bởi đây là chất độc hại, cấm sử dụng trong thực phẩm. “Chúng ta hãy đặt câu hỏi, có ai ăn pin không, chắc chắn là không. Phải lên án hành vi này?”, TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Theo đó, vị chuyên gia thực phẩm này cho rằng, vấn đề cốt yếu phải trả lời cho dư luận đang rất quan tâm là cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào đối với cơ sở sơ chế cà phê làm ăn gian dối, đầu độc người tiêu dùng này?. Phải xử lý nhanh chóng, thật nghiêm và công bố rộng rãi cho dư luận được biết.

Nước pin dùng để trộn bột cà phê vừa bị bắt quả tang ở Đắk Nông

“Tất cả những hành vi vi phạm này đã có quy định trong Nghị định của Chính phủ, không có gì khó khăn để xử phạt với những cơ sở sản xuất thực phẩm có hành vi gian dối, đưa những hóa chất độc hại vào thực phẩm làm hại hàng triệu, người tiêu dùng”, TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.

Còn PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

“Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể”, PGS Côn cho hay.

Hơn nữa, mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.

Đáng lưu ý, các chuyên gia về thực phẩm khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan.

Là một trong những tín đồ của cà phê, anh Nguyễn Đình Phúc, ở Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội vô cùng bức xúc trước hành vi của chủ cơ sở sơ chế cà phê ở Đắk Nông vừa bị phát hiện.

“Thiết nghĩ tội này nên đưa vào khung hình phạt cao nhất, đây là những kẻ độc ác nhất. Những kẻ còn tàn độc nhẫn tâm hơn những kẻ giết người. Những kẻ này giết hàng trăm, hàng nghìn con người trong nhiều năm liền, vậy mà chỉ bị xử phạt hành chính rồi mọi việc đâu lại vào đấy. Nếu người dân chúng tôi khởi kiện họ thì ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng...”, anh Phúc đặt vấn đề.

Trong khi đó, cơ sở sơ chế cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan tại thời điểm kiểm tra chỉ xuất trình được giấy phép thu mua nông sản do Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện cấp, chứ không hề có giấy phép chế biến nông sản.

Theo giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Loan sinh ngày 1-4-1975, hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer và chứng minh nhân dân mới được Công an tỉnh Đắk Nông cấp ngày 1-4-2016. Ngành nghề kinh doanh của bà Loan là thu mua nông sản, vốn kinh doanh 1 tỷ đồng và đăng kí kinh doanh lần đầu ngày 19-8-2016 (đăng kí thay đổi lần thứ 1 vào ngày 31-10-2017).

Đây là một cơ sở chế biến cơ quy mô khá lớn, tại thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra, vẫn còn hàng chục tấn cà phê ở kho. Được biết, cà phê sau khi sơ chế, trộn bột Pin Con ó sẽ được bán đi các thành phố lớn.

Trước đó, như báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, chiều tối 15-4, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT, UBND huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Wer đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer đang pha trộn bột pin Con ó vào cà phê.