Uống cà phê dạo: “May nhờ, rủi chịu”

ANTĐ - Hiện nay trên địa bàn Hà Nội,  dịch vụ bán cà phê di động (cà phê dạo) ngày càng nở rộ. Với ưu điểm giá rẻ, tiện lợi, dịch vụ này thu hút khá đông khách. Tuy vậy, nếu không thận trọng, khách hàng rất dễ chuốc bệnh vào người khi uống phải cà phê rởm…

Uống cà phê dạo: “May nhờ, rủi chịu” ảnh 1Cà phê dạo được bán khá chạy ở những điểm vui chơi công cộng có đông bạn trẻ tham gia (ảnh minh họa)

Đông khách vì giá rẻ

Thời gian gần đây, cà phê dạo xuất hiện khá nhiều trên các tuyến phố, đặc biệt là phố cổ Hà Nội. Không cần bỏ vốn nhiều, không phải mất tiền thuê mặt bằng, chỉ cần 1 chiếc thùng đá, vài chiếc chai nhựa, nguyên liệu và 1 chiếc xe đạp hoặc xe máy, trung bình mỗi ngày người bán hàng có thể thu nhập từ 300-500.000 đồng. Khách hàng của cà phê dạo chủ yếu là sinh viên, lao động phổ thông, nhân viên văn phòng.

Từ khi có dịch vụ trên, thay vì phải bỏ ra cả trăm nghìn để thưởng thức cà phê trong những quán sang trọng, thì với cà phê dạo, khách chỉ cần bỏ từ 10-13.000 đồng là có 1 cốc cà phê đen hoặc nâu (cà phê sữa) thơm ngon, nóng hổi hay mát lạnh. Thậm chí chỉ cần ngồi nhà gọi điện, sẽ được giao hàng đến tận nơi.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm – người có “thâm niên” gần 20 năm uống cà phê vào mỗi buổi sáng cho biết, ngoài một số cá nhân làm ăn chân chính vẫn còn  những người bán cà phê dạo kém chất lượng. “Vài lần, tôi đã uống phải cà phê rởm vì mùi vị rất khác, có cảm giác như được pha từ bột ngô, bột đậu rang và hương liệu. Phải mất một thời gian chọn lựa, tôi mới tìm được 1 người bán cà phê dạo với chất lượng tương đối ổn. Dù hương vị không thể bằng cà phê chính hãng nhưng với giá chỉ 10.000 đồng/cốc thì vẫn có thể chấp nhận được” - anh Dũng chia sẻ.

Là người bán cà phê dạo tại khu vực phố cổ, ông Nguyễn Văn Tuấn (ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) tâm sự, thời gian đầu khi mua cà phê dạo, nhiều khách hàng đã tỏ ý nghi ngờ về chất lượng của mặt hàng này do giá quá rẻ. Nhưng  trên thực tế, ngay cả khi dùng hàng nguyên chất, người bán cũng đã có lãi do giá bột cà phê chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, pha được khoảng 50 cốc. Đáng tiếc là một vài người vì muốn lãi nhiều, lãi nhanh nên đã mua loại cà phê kém chất lượng bán cho khách, khiến khách hàng mất lòng tin vào cà phê dạo nói chung.

Dụng cụ pha chế cà phê dạo khá đơn giản

Thận trọng kẻo mang bệnh

Cũng theo ông Tuấn, để giảm giá thành, một số người bán cà phê dạo thường rang cháy gạo và ngô, sau đó đun lấy nước, tạo vị đắng rồi mua hương liệu cà phê bày bán tại các chợ về để pha chế. Tuy vậy, loại đồ uống này chỉ đánh lừa được những người mới uống, chứ không qua mặt được những người đã từng dùng cà phê lâu năm.

Theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu, Bệnh viện E, để tạo được vị đắng và màu giống như cà phê thật, cần phải rang gạo và ngô cháy hoàn toàn. Trong khi đó, thực phẩm bị cháy sẽ tạo ra những chất có khả năng gây ung thư ruột, ung thư dạ dày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, hầu hết những hương liệu tạo mùi cà phê được bán trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm định về chất lượng nên không đảm bảo an toàn.

Về tình trạng pha chế cà phê “bẩn” với những phụ gia chứa chất gây ung thư, một đại diện của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam thừa nhận, thông tin pha chế cà phê “bẩn” mà dư luận phản ánh là có thật. Song, đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan chuyên môn nào đứng ra kiểm tra, xác định thành phần, hàm lượng các chất có trong cà phê “bẩn” nên việc người bán pha chế cà phê bằng những phụ gia gì chỉ có… bản thân họ biết?!

Mặc dù thời gian qua, dịch vụ bán cà phê dạo đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người lao động, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, song để bảo vệ sức khỏe của bản thân, trước khi sử dụng loại cà phê này, khách hàng nên tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, cách chế biến loại cà phê đó và tìm đến những địa chỉ có uy tín. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng nên chọn cà phê thiên nhiên, còn nếu thích cà phê hương liệu, phụ gia thì cần chọn nhãn hiệu công bố rõ ràng thành phần trên bao bì, không nên ham rẻ kẻo chuốc bệnh vào người.