Từ vụ cô giáo bắt học sinh quỳ ở Thường Tín, Hà Nội: Khi giáo viên bị tước đoạt mọi quyền hành

ANTD.VN -Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh học sinh một trường THCS ở huyện Thường Tín, Hà Nội bị cô giáo chủ nhiệm bắt quỳ gối trước bục giảng trong giờ học. Bức ảnh đã khiến dư luận dậy sóng với nhiều quan điểm trái chiều.

Liên quan đến sự việc trên, được biết lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín đã giao trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường tạm đình chỉ 1 tuần việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm của cô giáo bắt học sinh quỳ để làm tường trình, kiểm điểm về việc làm của mình.

Phân tích sự việc dưới góc độ xã hội, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, trường học giống như một xã hội thu nhỏ, trong đó giáo viên và học sinh phải tuân thủ các quy định, nội quy chung. Khi học sinh  mắc lỗi, thầy cô hoàn toàn có quyền đưa ra hình thức xử phạt, song không được đánh đập, làm nhục học trò.

 Những hình thức xúc phạm đến thân thể, tinh thần học sinh như thường xuyên dùng quyền lực và vũ lực để bắt trẻ nhỏ quỳ trước mặt mình, mắng nhiếc, đe dọa, bắt quỳ, úp mặt vào tường, làm tổn thương nhân phẩm, danh dự…không còn phù hợp với quan điểm giáo dục tiến bộ. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên thụ động, sợ sệt, triệt tiêu khả năng sáng tạo.

Bức ảnh gây xôn xao dư luận những ngày qua

Có thể nói, hành vi bắt học sinh quỳ trước lớp của cô giáo là không đúng quy định của ngành, chưa đúng phương pháp giáo dục. Khi học sinh mắc lỗi, giáo viên có quyền phạt nhưng điều quan trọng là chọn hình thức nào để các em biết sai ở đâu để sửa lỗi.

Tuy vậy, cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, một số vụ việc xảy ra trong các nhà trường thời gian qua cho thấy, không ít phụ huynh có biểu hiện bênh con thái quá, đã can thiệp sâu vào công tác giảng dạy của các thầy cô, có xu hướng “việc bé xé ra to”, tìm mọi cách gây áp lực đối với giáo viên. Chỉ cần nghe con mình nói ở lớp bị cô trách phạt, chưa cần biết đúng sai đã tìm mọi cách quay phim, ghi hình rồi tung lên mạng xã hội, đến trường chất vấn giáo viên, viết đơn kiện gửi khắp nơi yêu cầu giáo viên phải nghỉ việc…

Đành rằng, thương con, muốn cho con những điều tốt đẹp nhất là lẽ thường của đạo lý làm cha mẹ. Tuy nhiên, bênh con chỉ đúng khi nó đồng nghĩa với việc cha mẹ đang bảo vệ lẽ phải. Để làm được điều này, đòi hỏi phụ huynh phải có cái nhìn khách quan, công bằng, thẳng thắn đối diện với sự thật.

Điều đáng nói là, hiện vẫn còn nhiều bậc phụ huynh bênh con thái quá, bất chấp lý lẽ, đúng sai gây nên những hệ lụy xấu cho chính đứa trẻ, thầy cô và nhà trường. Những đứa trẻ được bênh vực sai tưởng rằng việc mình làm là đúng nên sau này chúng có thể tiếp tục phạm sai lầm, thậm chí ngày càng trở nên ích kỷ, tự mãn, hung hăng, coi thường người khác.

Đối với một số sự việc đã xảy ra, nếu như ngay từ đầu, thay vì bênh con chằm chặp, nhăm nhăm quy kết trách nhiệm và đổ lỗi cho giáo viên, nếu phụ huynh tìm hiểu cặn kẽ vì sao con mình bị phạt, trực tiếp đối thoại với thầy cô thì chắc chắn những hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra.

“Tôi không đồng tình với việc giáo viên xử phạt học sinh bằng cách bắt chúng quỳ gối, song nếu chỉ vì điều này mà buộc họ phải nghỉ việc thì có phần chưa thỏa đáng. Nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu, đẩy giáo viên vào hoàn cảnh bị tước đoạt đi tất cả mọi quyền hành, không dám xử phạt học sinh, lúc nào cũng nơm nớp lo bị phụ huynh kiện, từ đó sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục” – Tiến sỹ Cẩm Tú lo ngại.

Thực tế có không ít giáo viên rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” do phụ huynh phó thác toàn bộ việc giáo dục con cho họ và nhà trường, bất kể con ngoan hay là học sinh cá biệt. Sự xung đột giữa trách nhiệm, quyền lợi của thầy cô phụ huynh và học sinh đã làm nảy sinh những câu chuyện buồn.

“Để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội là một quá trình gian nan, phức tạp. Phạt các em như thế nào khi chúng mắc lỗi cũng là chuyện không đơn giản. Điều quan trọng là phụ huynh, thầy cô và nhà trường phải thống nhất cách giáo dục trẻ khi trẻ phạm lỗi. Chỉ khi đó các bên mới tìm được tiếng nói chung và đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định.