Từ vụ bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón, Bộ Y tế khuyến cáo cách xử lý sốc nhiệt

ANTD.VN - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, việc cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên nhiều giờ trên xe đưa đón học sinh ở Bắc Ninh sống sót có nguyên nhân quan trọng là do được sơ cứu, xử lý cấp cứu sốc nhiệt rất tốt từ tuyến đầu…

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, bé 3 tuổi ở Bắc Ninh được cứu sống một phần do sơ cứu ban đầu tốt

Ngay sau khi xảy ra vụ cháu bé 3 tuổi ở Tiên Du (Bắc Ninh) phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vì sốc nhiệt do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón, chiều nay, 16-9, Bộ Y tế đã đưa thông tin khuyến cáo người dân về cách xử lý khi bị sốc nhiệt.

Theo Bộ Y tế, sốc nhiệt thường xảy khi một người tiếp xúc thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày; hoặc sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Người bị sốc nhiệt có tiên lượng xấu tỷ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị. Nếu cấp cứu muộn, để hôn mê trên 4 giờ thì dấu hiệu tiên lượng xấu như hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh, suy gan, suy thận…

Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo, khi phát hiện có người bị sốc nhiệt, cần tiến hành các biện pháp làm lạnh cho những người bị sốc nhiệt bằng cách: cởi bỏ quần áo tạo thông thoáng; ngâm chân trong nước lạnh (20 - 25 độ C), đặt các túi đá vào vùng bẹn, nách, cổ…; chuyển đến viện cấp cứu càng sớm càng tốt.

Trở lại với trường hợp cháu bé 3 tuổi sốc nhiệt do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh ở Bắc Ninh, TS.BS. Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em bị tăng thân nhiệt hơn người lớn, nguy cơ mất nước cao. Vì thế, vấn đề thời gian từ khi trẻ bị sốc nhiệt đến khi được cấp cứu và khâu cấp cứu ban đầu đóng vai trò quyết định.

“Vấn đề thời gian là rất quan trọng, nếu cấp cứu muộn, cấp cứu sai, trẻ sẽ bị tổn thương, biến chứng đến các cơ quan, khi đó chuyển lên các tuyến điều trị cao hơn cũng sẽ mất cơ hội để trẻ có thể trở lại bình thường. Rất may ở cháu bé 3 tuổi này, ngay tại thời điểm ban đầu, bé được cấp cứu đúng, kịp thời. Nơi đầu tiên sơ cứu cho cháu bé đã sơ cứu đúng và có chuyên môn tốt nên sức khỏe của bé đã đảm bảo - TS. Ngọc nói.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng tránh sốc nhiệt, mỗi người cần phân loại các đối tượng có nguy cơ để có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp; khuyến khích các tổ chức đoàn thể tổ chức các chương trình phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của bệnh để chẩn đoán và điều trị sớm…