Từ vụ bạo hành vợ ở Tây Ninh: Kẻ đánh đập vợ cần bị trừng trị thích đáng

ANTD.VN -Những ngày gần đây, mạng xã hội dậy sóng trước thông tin về một phụ nữ ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nghi bị chồng bạo hành dã man. Mặc dù  Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực, song những hành vi mất hết nhân tính của người chồng vẫn khiến nhiều người dân phẫn nộ.

Liên tiếp những vụ việc kinh hoàng

Theo thông tin ban đầu, tối 8-2, Đội Cứu nạn Giao thông Tây Ninh đã nhận được điện thoại cầu cứu của chị L.T.S 27 tuổi, ở xã An Tịnh nghi bị chồng đánh đập gây thương tích.

Sau khi được giải cứu, chị S cho biết, trước đó chị đã bị chồng dùng thắt lưng quất liên tiếp lên người cho đến tận 4 giờ sáng. Sáng hôm sau, sau khi tiếp tục bị đánh, chị S. còn bị chồng ép quan hệ tình dục.

Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng tại địa phương đã khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh sự việc đồng thời tiến hành các giải pháp đối với đối tượng có hành vi bạo lực.

Những vết bầm tím trên thân thể người vợ nghi bị chồng bạo hành

Cũng liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, cách đây không lâu, người chồng bạo hành vợ dã man ở huyện Tân Châu, Tây Ninh đã bị tuyên phạt 3 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác nên Phạm Chí Linh (33 tuổi, ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu) đã xô vợ là chị T.M xuống hồ bơi kinh doanh ở nhà rồi nhảy xuống dùng tay bóp cổ, nhấn đầu chị M xuống nước nhiều lần. Khi chị M. kêu cứu thì Linh bóp miệng nên bị chị M cắn vào tay, lúc này Linh mới buông vợ ra.

Không dừng lại ở đó, khi chị M leo lên khỏi hồ bơi đi vào nhà thì Linh đi theo tiếp tục dùng tay, chân đánh đá vào người. Sau đó, chị M gửi đơn tố cáo hành vi của người chồng dã man này.

Tại phiên xét xử, TAND huyện Tân Châu, Tây Ninh đã tuyên phạt Phạm Chí Linh 3 tháng tù, buộc bồi thường toàn bộ chi phí khám, điều trị bệnh, khoản tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần chị M hơn 64 triệu đồng.

Trước đó, tại thị xã Điện Bàn, huyện Quảng Nam, TAND thị xã Điện Bàn đã mở phiên xét xử lưu động đối với bị cáo Nguyễn Văn Một (59 tuổi, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo cáo trạng, giữa năm 2018, do nhiều lần bị bạo hành, chị Hoa và Một quyết định ly hôn. Sau đó, chị Hoa cùng con về nhà cha mẹ ruột ở, còn Một thuê phòng trọ tá túc.

Đầu tháng 11-2018, khi chị Hoa đi làm về một mình thì Một lao ra chặn đầu xe, dùng dao lam rạch mặt, cắt tai vợ cũ. Gần 2 tháng sau, Một tiếp tục tìm đến nhà bố mẹ vợ và dùng dao cắt nhiều nhát vào tay, cổ, lưng và tai chị Hoa. Theo kết quả giám định thương tích của chị Hoa trong 2 vụ nói trên lần lượt là 21% và 13%.

Tại phiên sơ thẩm, TAND thị xã Điện Bàn đã tuyên phạt bị cáo 3 năm 6 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Cần có hình phạt thích đáng đối với kẻ bạo hành vợ

"Bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng tư, nó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề luật pháp. Bạo lực gia đình là một tội ác, nên kẻ thực hiện hành vi vi phạm cần bị trừng trị thích đáng" - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Trong các vụ chồng bạo hành vợ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, đối tượng thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về xử lý hành chính, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, ATXH, phòng chống bạo lực gia đình quy định, phạt tiền từ 1-1.5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1.5-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng bạo hành vợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi) nếu có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS 2015) nếu có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS 2015) nếu có hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm

Ngoài ra, người chồng còn phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho vợ.