Từ vụ 2 chị em ruột tố bị xâm hại ở Sơn Tây, Hà Nội: Khi "yêu râu xanh" đội lốt hàng xóm

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 10-8, Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 người đàn ông bị tố có hành vi xâm hại 2 chị em gái ruột, khiến một cháu gái 16 tuổi mang thai... để điều tra về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”.

Vì sao ngày càng có nhiều trẻ bị xâm hại tình dục?

Hai đối tượng bị tố cáo xâm hại 2 cháu gái 14 và 16 tuổi khiến cháu gái 16 tuổi đang mang thai 5 tháng là là Đào Văn Chuyển (53 tuổi) và Đào Văn Sinh (57 tuổi), cùng trú tại thị xã Sơn Tây. Hiện công an thị xã Sơn Tây đang tiếp tục củng cố tài liệu, hồ sơ để xử lý vụ việc.

Ngoài vụ việc trên, thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Đó là vụ đối tượng Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ở TP. Đà Nẵng, nguyên Viện phó Viện KSND TP. Đà Nẵng) có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 (phường 1, quận 4, TP.HCM) xảy ra vào tháng 4/2019 và vụ bé gái 9 tuổi bị đối tượng 31 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội xâm hại tình dục vào tháng 2/2019.

Qua những vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phải chăng sự chậm trễ của cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý các vụ việc đã khiến tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng gia tăng?

Hai đối tượng ở thị xã Sơn Tây đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi "Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi"

Về lý do chính dẫn đến việc trẻ em dễ trở thành đối tượng bị xâm hại, theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, hiện có nhiều phụ huynh chưa chú trọng việc dạy con kĩ năng phòng vệ, coi thường lời cảnh báo của con trẻ hoặc có suy nghĩ bao bọc con là phương pháp tốt. Đặc biệt nhiều gia đình còn quan niệm việc người lớn đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ là bình thường, dần dần khiến trẻ coi bị xâm hại tình dục là thói quen. Bên cạnh đó, nhiều trẻ thường mất cảnh giác với những người họ hàng, hàng xóm quen biết với gia đình.

Có thể nói, những vụ án xâm hại tình dục để lại những hậu quả rất nặng nề về thể chất và tinh thần cho trẻ. Do vậy, khi vụ việc xảy ra, vấn đề được hầu hết người dân và gia đình nạn nhân quan tâm chính là việc đối tượng nhanh chóng thực hiện hành vi đồi bại bị xử lý nghiêm theo quy định.

Tuy vậy, thời gian qua, tiến độ giải quyết các vụ xâm hại tình dục trẻ em còn diễn ra khá chậm. Một phần do cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật trong điều tra, thu thập chứng cứ nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, không ít nạn nhân và phụ huynh có tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên khai báo muộn hoặc không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

“Để rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, khi tiếp nhận thông tin ban đầu, cơ quan tiến hành tố tụng nên áp dụng biện pháp rút gọn, đưa nạn nhân đi kiểm tra và giám định trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là với những vụ việc hành vi đã rõ ràng. Bên cạnh đó cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam, tạm giữ đối tượng thực hiện hành vi vi phạm” – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội kiến nghị.

Cách nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục?

Sau những vụ việc đau lòng đã xảy ra, việc nhận biết sớm trẻ bị xâm hại tình dục, cách phòng tránh cho trẻ khỏi bị xâm hại là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, trẻ bị xâm hại thường không dám nói thẳng ra sự việc mà bộc lộ một số dấu hiệu khác lạ như trẻ bỗng có nhiều tiền, quà tặng, hành vi lóng ngóng không tự nhiên khi kẻ xâm hại đến gần, tìm cách né tránh khi phải đến nhà kẻ xâm hại…

Ngoài ra, tùy theo độ tuổi, trẻ có thể có một số các biểu hiện như mùi cơ thể quá nồng, xuất hiện nhiều vế xước ở vùng riêng tư hoặc vùng kín, đau rát khi tiểu tiện, viêm nhiễm đường tiết niệu…Về cảm xúc, trẻ có thể có các biểu hiện như lo âu, hay sợ hãi, khóc nhiều, tỏ ra bí mật, cảm xúc thay đổi đột ngột, dễ nổi nóng hoặc trầm cảm.

Bên cạnh đó, một số trẻ có các biểu hiện hành vi không phù hợp như quá quan tâm đến bộ phận sinh dục của mình hay người khác. Đặc biệt, trẻ bị xâm hại thường mất ngủ, hay gặp ác mộng.

Để tránh cho trẻ khỏi bị xâm hại tình dục, ngay từ nhỏ, phụ huynh và các thầy cô cần quan tâm, gần gũi với trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mà không bị phán xét. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần dạy con cách bảo vệ bản thân từ cách gọi tên chính xác các bộ phận cơ thể, hiểu về vùng riêng tư và nhận biết thế nào là hành vi đụng chạm, cách nhận biết cảm xúc và nói ra những chuyện buồn. Khi gặp những tình huống bất an, trẻ cần biết ứng xử theo quy tắc Cự tuyệt – Tránh xa  - Nói ra.

 “Phụ huynh thay vì nhồi nhét con học văn hóa cần dạy cho trẻ những biện pháp an toàn tự bảo vệ mình như: Dạy trẻ biết cách từ chối khi có người lớn dụ dỗ vào nơi vắng vẻ hay đêm tối, dạy con cách thoát khỏi tình huống đáng sợ hoặc không thoải mái, biết làm chủ cơ thể, nói về các bộ phận cơ thể từ sớm, trong đó có những bộ phận cơ thể là không thể đụng chạm kể cả những người quen biết, họ hàng.

Khi biết con bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần lập tức thiết lập một môi trường an toàn cho con, nhẹ nhàng khơi gợi trao đổi với trẻ trên tinh thần cảm thông và tin tưởng để trẻ có thể nói ra mọi chuyện, luôn sát cánh cùng con để động viên, giúp đỡ trẻ vượt qua cú sốc lớn đầu đời” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú chia sẻ.

Điều 145 BLHS 2015 về tội Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi quy định, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Làm nạn nhân có thai…thì bị phạt tù từ 3-10 năm.