"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2)

ANTD.VN -Trước khi gặp Bác, ông đoán con người Bác chắc hẳn phải có cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, ông thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, ông đã cảm thấy như mình được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị...

(Bài viết sử dụng Tư liệu từ Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số tư liệu sưu tầm khác)

...Trước khi gặp Bác, ông đoán con người Bác chắc hẳn phải có cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, ông thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, ông đã cảm thấy như mình được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Chỉ có một điều làm ông chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.

>>"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (1)

Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, ông vẫn giữ nguyên vẹn cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng ấy. Ông nghĩ con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị...

Cuộc gặp gỡ lịch sử tại Thúy Hồ...

Đồng chí Minh đưa ông đến một hàng cơm nhỏ ở cuối đường Yên Phụ. Lát sau, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng tới. Họ nghỉ đêm tại đây để tránh sự kiểm soát giấy tờ của bọn cảnh binh.

Sáng sớm hôm sau, đồng chí Phạm Văn Đồng và ông ra ga Đầu Cầu, lên xe lửa đi Lào Cai. Vé tàu đồng chí Minh lấy cho từ trước. Cả hai người đều không đem theo hành lí. Lên tàu, mỗi người ngồi một nơi. Ông lấy chiếc kính râm ra đeo cho mặt hơi khác đi và dễ quan sát.

Dưới thời Pháp đô hộ, người được đi ra nước ngoài phải là người giàu có và trung thành với chính phủ “bảo hộ”. Với những người có chí hướng hoạt động cách mạng, thì chỉ có cách là trốn, một là thoát, hai là vào tù ngục.

Từ hồi còn là học sinh, sau cuộc bãi khóa những năm 1926, 1927, ông cũng đã được các đồng chí định bố trí cho đi cùng với lớp thanh niên mới giác ngộ cách mạng. Nhiều lần, ông đã mơ mình cùng một số anh em nằm trốn trong khoang một con tàu biển lênh đênh giữa đại dương. Về sau, tham gia tổ chức bí mật, ông ở lại hoạt động không đi nữa.

Ngồi trên con tàu ra đi, nghĩ đến lúc đã qua biên giới, cảm thấy như trời sẽ cao hơn, đất sẽ rộng hơn, cánh chim sổ lồng tha hồ vùng vẫy. Xen với niềm phấn khởi đó, cũng có những lo âu, không biết từ đây đến biên giới có thoát khỏi tay bọn Pháp không. Không hiểu điều kiện hoạt động ở bên kia biên giới ra sao.

Tướng Long Vân đứng đầu chính quyền của Quốc dân đảng ở Vân Nam vốn là một tên quân phiệt nổi tiếng chống cộng. Thêm vào với những phấn phới, lo âu đó, là sự bồi hồi khi phải xa những người thân, xa đất nước, xa quê hương.

Thúy Hồ Trung Quốc.

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2) ảnh 2

Thúy Hồ (Vân Nam, Trung Quốc)

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2) ảnh 3

Thành phố Côn Minh (Trung Quốc) ngày nay.

Hai người dừng lại một đêm ở Yên Bái, chờ đồng chí Minh, người dẫn đường vượt biên giới, đi chuyến tàu sau.

Sáng hôm sau, đồng chí Minh tới. Họ cùng lên tàu tiếp tục đi Lào Cai. Khi tàu đỗ cách thị xã một ga, ba người đi xuống. Đồng chí Minh dẫn đi bộ vòng quanh thị xã tới bờ sông Nậm Ti. Con sông ở quãng này là ranh giới giữa Lào Cai và Vân Nam.

Hai người ngồi nép trong một bụi lau bên bờ sông đợi đồng chí Minh đi chuẩn bị. Anh kiếm đâu được một chiếc bè nhỏ, chèo sang sông trước. Anh vừa lên bờ bên kia thì một chiếc ca-nô của lính đoan Pháp đi tuần xình xịch tới. Hai người ngồi nhìn hồi hộp. Bọn lính không nhận ra có người vừa vượt sông. Chúng đi khỏi một lát, đồng chí Minh lại chèo bè trở về đón họ.

Bè nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được hai người. Ông Đồng bảo ông Giáp sang trước. Đã sắp đến mùa nước. Dòng sông Nậm Ti chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Đồng chí Minh ra sức chèo chống một lúc, đưa được ông sang bờ bên kia. Ông quay lại nhìn những núi non trùng điệp của Tổ quốc nằm bên kia sông, u ẩn sau màn sương. Tình cảm lúc này thật khó tả. Non sông kia là của mình, nhưng lại nằm trong tay quân địch. Lúc phải xa đất nước, xa quê hương, cũng lại là lúc cảm thấy vừa thoát được vòng tù hãm…

Đồng chí Minh đưa ông Đồng và ông Giáp vào một gia đình người Trung Hoa. Tại đây, họ thay quần áo mặc khi ở nhà ra đi bằng hai bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn, cao cổ, màu xám xẫm. Cả hai người đều đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng ở nước ngoài mới về.

Ngay tối hôm đó, ra ga Hà Khẩu, tiếp tục đi luôn Côn Minh. Chuyến tàu chợ chật ních hành khách. Lại phải tránh sao cho khỏi bị bọn Tưởng kiểm soát vé và hộ chiếu. Mỗi khi thấy bọn soát vé từ phía trên đi xuống, cả ba người lùi dần về cuối đoàn tàu. Khi tàu đỗ, họ xuống sân ga, đi ngược một quãng, rồi lên ngồi ở toa chúng vừa kiểm soát vé xong. Bọn chúng làm ăn cũng lơ mơ, ba người thoát khỏi tất cả những lần kiểm soát không khó khăn lắm.

Hai ngày sau, tới Côn Minh. Đồng chí Vũ Anh ra đón tại ga và đưa họ đi vòng đầu ghi, vượt ra ngoài để tránh bị kiểm soát vé. Các đồng chí đến chỗ ở của đồng chí Phùng Chí Kiên, khi đó là ủy viên Trung ương của Đảng ta, công tác tại nước ngoài.

Côn Minh hồi đó là đại hậu phương kháng Nhật ở phía Tây Nam Trung Quốc. Dân Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… đổ về rất đông. Thành phố đầy ngập người và xe cộ. Nhiều trường đại học, nhiều nhà ngân hàng, hiện buôn ở các tỉnh chuyển về đây. Do đó, những hoạt động kinh tế, văn hóa tại thành phố cũng trở nên nhộn nhịp. Côn Minh còn là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của Mỹ cho Trung Quốc. Xe vận tải nhà binh chạy ầm ầm suốt ngày trên các đường phố.

Thời kì này, Quốc dân đảng đã kí kết hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc để đánh Nhật. Trong thành phố có nhiều cửa hàng bán sách báo tiến bộ. Không khí kháng Nhật khá sôi nổi. Đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu “Đánh Nhật đến cùng”. Thành phố tuy có những biểu hiện tiến bộ, nhưng vẫn nằm dưới chế độ quân phiệt của tướng Long Vân. Pháp có đặt lãnh sự tại đây. Ảnh hưởng của Pháp với chính quyền Quốc dân đảng tại Vân Nam vẫn còn khá mạnh.

Kiều bào ta ở Côn Minh khá đông. Đảng ta được sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc, hoạt động bí mật trong kiều bào. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng cũng có mặt. Chúng dựa vào Quốc dân đảng Trung Hoa, hoạt động công khai.

Đồng chí Phùng Chí Kiên ở khu du kích Sán Đầu cũng mới về Côn Minh. Căn buồng nhỏ của ông ở trong một ngõ hẻm, chi có một cái giường và một tấm ván kê giáp tường làm bàn viết. Ông Đồng và ông Giáp cùng ở với ông Phùng Chí Kiên. Hai ông tiếp tục đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng tại nước ngoài mới về Tổ quốc. Vai này cũng không khó lắm. Thành phố rất đông người từ các nơi khác đến, màu sắc khác nhau, tiếng nói khác nhau, nên mặc dầu các ông lúc đầu chỉ nói được một vài tiếng Quan hỏa, cũng không ai để ý.

Đồng chí Phùng Chí Kiên nói chuyện về tình hình kiều bào, tình hình chiến tranh chống Nhật tại Trung Quốc, và dạy các ông học tiếng Trung Quốc. Đồng chí Kiên hoạt động tại Trung Quốc khá lâu và đã học ở trường đại học của Hồng quân tại khu Xô Viết. Ông là một người vui tính, hồn nhiên, rất tốt. Khi hỏi về công tác, đồng chí Kiên nói: “Công tác của các anh phải đợi đồng chí Vương về quyết định”.

Họ vẫn phải đợi đồng chí Vương về để giải quyết công tác. Hằng ngày, sau bữa cơm, lại ra Thúy Hồ ngồi học tiếng Trung Quốc. Thúy Hồ là một thắng cảnh của Côn Minh. Hồ khá rộng, có đường chạy ngang và chạy vòng quanh. Gần hồ, có trường Giảng Võ, học sinh quân thường kéo ra đây luyện tập. Giờ nghỉ, họ hát những bài ca kháng Nhật. Lần đầu, được nghe một đội quân hát những bài hát kháng chiến, ông Giáp có ý nghĩ: Dù sao, binh sĩ ở một nước nửa thuộc địa vẫn còn hơn một nước thuộc địa.

Tới Người con xa quê lâu ngày vẫn giữ được tiếng nói Quê hương...

Gần nửa tháng, vẫn chưa thấy đồng chí Vương về. Các đồng chí ở đây không nói với ông đồng chí Vương là người như thế nào. Nhưng qua thái độ kính trọng của các đồng chí khi nói đến đồng chí Vương, ông đoán được đồng chí Vương phải là một đồng chí rất quan trọng.

Ông liên tưởng đến đồng chí Vương liệu có phải là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đối với nhiều người vào lớp tuổi họ hồi đó, hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã trở nên một hình ảnh lí tưởng.

Khoảng những năm 1926-1927, do ảnh hướng cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc, phong trào học sinh ở Huế phát triển khá mạnh. Họ hay đến nhà cụ Phan Bội Châu để nghe nói chuyện tình hình thế giới và trong nước. Khi đó, cụ Phan mới bị đưa từ Hà Nội về Huế an trí. Trong nhà cụ, ảnh Lênin treo cạnh ảnh Tôn Dật Tiên và Thích ca Mầu ni. Là những thanh niên háo hức đi tìm chân lí, có khi họ ngồi hàng buổi nghe cụ Phan nói chuyện.

Nhưng rồi trong anh em bắt đầu có những lời thì thào, bàn tán về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Một hôm đồng chí Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) kiếm đâu được một quyển Bản án chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc, đem về chuyền tay nhau đọc. Ngoài bìa sách có in cả chữ Ảrập.

Anh em lượm lặt khắp nơi và kể cho nhau nghe nhiều chuyện li kì về Nguyễn Ái Quốc. Những chuyện Nguyễn Ái Quốc làm báo Người cùng khổ ở Pari. Những người nói chuyện đều say sưa như chính như chính mắt họ đã nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc trong các câu chuyện mà họ kể lại. Có một thời kì, bỗng nghe tin đồn Nguyễn Ái Quốc đã mất vì bệnh ho lao. Ít lâu sau, mọi người đã tìm ra, đó chỉ là tin bịa đặt của bọn đế quốc. Chúng không biết làm cách nào để ngăn chặn ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc trong thanh niên, nên đã tung ra tin này.

Rồi không biết anh em lại tìm đâu ra được một tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc. Trong ảnh, Nguyễn Ái Quốc còn trẻ, có đôi mắt rất linh lợi, đầu đội mũ phớt đen. Tấm ảnh rất mờ. Nhưng với trí tưởng tượng và lòng kính phục của họ, đấy là hình ảnh sáng ngời của người thanh niên cách mạng đầy nhiệt tình và chí lớn.

Sau cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh Huế, ông Giáp phải trở về quê. Một hôm, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, một người bạn rất thân ở Huế về, đưa ông một tập tài liệu. Đó là một cuốn sách về chủ nghĩa cộng sản bằng tiếng Pháp, một tập tài liệu của “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” in ở Bờruyxen (nước Bỉ), và một số văn bản về cuộc họp ở Quảng Châu, đặc biệt trong đó có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc.

Ông đem tập tài liệu ra cánh đồng vắng, trèo lên cây, ngồi đọc. Lần đầu ông được đọc một tập tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa cộng sản đã được cắt nghĩa lần lần qua từng trang sách. Sau đó, ông trở lại Huế. Lần này, không phải là đi học, mà đi hoạt động cách mạng. Ở Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu từ Quảng Châu về, nhiều lần nói chuyện về đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Mấy năm trước đó, trong thời gian làm báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix), một tờ báo công khai của Đảng bằng tiếng Pháp ở Hà Nội, ông thường nhận được những bài đánh máy kí tên “P.C. Lin” từ nước ngoài gửi về. Qua một vài lần, chúng ông đoán được những bài đó của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Mỗi khi nhận được bài của P.C.Lin, các ông lại chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại, và khi đăng báo thì xếp vào một mục với tên Những lá thư từ Trung Hoa.

Đó là những ý kiến về mặt trận dân chủ rộng rãi, những nhận định mới mẻ về tình hình thế giới, những kinh nghiệm bổ ích về cách mạng của Trung Quốc. Nhiều bài viết khá dài, ông phải đăng trên báo thành nhiều kì. Có lần, anh em trong tòa soạn tìm mua một chiếc máy chữ gửi cho đồng chí “P.C.Lin” (chiếc máy chữ đó Bác Hồ đã dùng mãi tới về sau này).

Tất cả những câu chuyện, những hình ảnh đó đều gây cho ông một ấn tượng rất sâu sắc. Nhớ đến lời đồng chí Hoàng Văn Thụ nhắc trước khi ra đi, ông càng tin đồng chí Vương chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Sang đầu tháng 6, một hôm, đồng chí Phùng Chí Kiên rủ các ông đi chơi Thúy Hồ. Dọc đường, đồng chí Kiên nói:

- Đồng chí Vương đã đến và hẹn chúng mình tới gặp ở Thúy Hồ.

Đến Thúy Hồ, ông thấy đồng chí Vũ Anh ngồi trong chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gày gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt.

Ông nhận ngay ra chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước ông đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều (hồi đó Bác gầy và chưa để râu).

Trước khi gặp Bác, ông đoán con người Bác chắc hẳn phải có cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, ông thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, ông đã cảm thấy như mình được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Chỉ có một điều làm ông chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.

Bác và các đồng chí rời thuyền lên bờ, vừa dạo quanh hồ vừa nói chuyện. Bác hỏi bọn họ về những khó khăn khi đi đường, và hỏi chuyện làm báo. Bác nói:

- Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí.

Ông nói với Bác điều đồng chí Hoàng Văn Thụ dặn dò về vấn đề “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Bác nói: - Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra...

Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, ông vẫn giữ nguyên vẹn cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng ấy. Ông nghĩ con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị...

Lời kết:

 Đã 78 năm kể từ thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử và cuộc chia tay định mệnh; Cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi sóng gió để đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Nhưng những hình ảnh giản dị và vĩ đại của những người chiến sỹ Cách mạng tiền bối, những người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh hạnh phúc của bản thân mình vì hạnh phúc của dân tộc; hình ảnh giản dị của đồng chí Vương - Chủ tịch Hồ Chí Minh ung dung câu cá bên bờ Thúy Hồ nhưng đã dự báo với tầm nhìn chiến lược “45 Cách mạng hoàn thành” sẽ vẫn là những bài học lịch sử quý giá cho hiện tại và tương lai...

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2) ảnh 4

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2) ảnh 5

Hình ảnh quen thuộc với chúng ta, Hồ Chủ tịch câu cá bên suối Lênin.

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (2) ảnh 6

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1945.