Từ chuyện cô bé 7 tuổi hiến giác mạc: Gian nan hành trình phá bỏ định kiến hiến tạng

ANTD.VN - Mỗi trường hợp tình nguyện hiến tạng khi qua đời có một hoàn cảnh khác nhau, từ đau thương trước mất mát đến đấu tranh vượt qua định kiến, nhưng chung lại là một hành động hết sức thiêng liêng, đầy ý nghĩa.

Những ngày qua, câu chuyện bé gái 7 tuổi ở Hà Nội với khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt trong veo như thiên thần hiến giác mạc trước khi qua đời đã làm lay động trái tim hàng triệu con người.

Song ít ai biết rằng, để có thêm mỗi trường hợp, mỗi suy nghĩ và hành động nhân văn đó trong xã hội, là cả hành trình vận động hiến tạng đầy gian nan của những cán bộ y tế ngày đêm trăn trở với nhiệm vụ cứu người…

Ông Nguyễn Hữu Hoàng mang đôi giác mạc của bé Hải An về bảo quản tại Ngân hàng Mắt

Nhiều khi đến rồi lại “về tay không”

Đầu giờ chiều ngày 22-2, ngay sau khi nhận được tin bé Hải An (7 tuổi) trút hơi thở cuối cùng và trước đó mẹ của bé gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ nguyện vọng hiến tạng, hiến giác mạc, các cán bộ ở Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã đến nhà riêng của bé ở quận Nam Từ Liêm nhận hai giác mạc được gia đình bé gái đồng ý hiến tặng.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt – người trực tiếp đến nhận giác mạc của bé kể, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh khi đến nhà cháu bé là một phụ nữ rất trẻ ôm bé gái đang nằm ngủ như thiên thần trên giường.

Khi ông Hoàng giới thiệu là cán bộ Ngân hàng Mắt, câu đầu tiên người mẹ nói như độc thoại: “Con hãy tặng lại ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé!”, rồi đặt nụ hôn lên trán con. Câu nói và hình ảnh ấy khiến tất cả đều lặng đi…

Trường hợp cô bé 7 tuổi hiến giác mạc có thể là một trong những câu chuyện để lại ấn tượng mạnh nhất trong quá trình công tác của anh, giờ này khi nhắc lại anh vẫn vô cùng xúc động. Song, dĩ nhiên đây không phải là câu chuyện cảm động duy nhất. Hơn 10 năm qua, mỗi năm ông Hoàng cùng với các cán bộ của Ngân hàng Mắt đi tiếp nhận giác mạc hàng chục trường hợp, mỗi trường hợp là một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng, tất cả đều rất thiêng liêng.

Trước bé Hải An – cô bé 7 tuổi hiến giác mạc kể trên, đã từng có một cháu bé còn nhỏ tuổi hơn (mới 6 tuổi) ở Kim Sơn (Ninh Bình) tình nguyện hiến giác mạc. Ông Nguyễn Hữu Hoàng kể, cậu bé này qua đời vì tai nạn giao thông, bố mẹ cậu bé là những người nông dân chất phác nhưng có trái tim nhân hậu, đã gọi điện đến cộng tác viên của Ngân hàng Mắt để bày tỏ nguyện vọng được hiến tặng lại ánh sáng của con mình cho người khác…

Còn rất nhiều trường hợp xúc động như thế nữa. Ông Hoàng kể, tất cả trường hợp có nguyện vọng hiến tặng giác mạc, chỉ được tiếp nhận giác mạc khi họ đã qua đời. Mỗi lần đến tiếp nhận giác mạc là mỗi lần cảm xúc của người cán bộ Ngân hàng mắt thắt lại. Việc thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc trong tiếng khóc thương tiếc của gia đình người mất, người cán bộ thực hiện kỹ thuật phải nén lại cảm xúc, nén không để nước mắt mình rơi để hoàn thành nhiệm vụ.

Đấy là những trường hợp “thuận lợi”, còn rất nhiều trường hợp khác, dù người mất hoặc thân nhân người mất đã có nguyện vọng hiến tặng giác mạc sau khi qua đời từ trước đó, nhưng khi cán bộ đến tiếp nhận giác mạc lại gặp phải nhiều ngăn cản. Đó là việc nhiều người họ hàng, thân nhân khác của người mất ngăn không cho thực hiện, bởi quan niệm “chết toàn thây” vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của đa số người dân Việt.

“Những trường hợp này, chúng tôi một lần nữa lại phải vận động, phổ biến ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng khi qua đời đến mọi người. Nếu được đa số người thân của người mất đồng ý thì lúc đó mới thực hiện tiếp nhận giác mạc. Và thực tế, không ít trường hợp cán bộ của chúng tôi vác “đồ nghề” đầy đủ đến tiếp nhận giác mạc của người hiến vừa qua đời nhưng rồi lại phải “về tay không” vì người thân của họ không đồng ý” – ông Nguyễn Hữu Hoàng kể.

Kể từ khi Ngân hàng Mắt đi vào hoạt động, với các giải pháp truyền thông, vận động kiên trì, bền bỉ, đến nay nhận thức của người dân về hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đã được nâng lên đáng kể. Bằng chứng là trong năm 2017, Ngân hàng Mắt đã tiếp nhận được số lượng giác mạc kỷ lục, với 77 trường hợp hiến tặng sau khi qua đời.

Còn tính chung, đến nay trên cả nước đã có tổng cộng hơn 40.000 trường hợp đăng ký hiến tặng giác mạc. “Dù vậy, từ đăng ký hiến tặng đến tiếp nhận được nguồn tạng hiến là quãng đường rất rất xa. Thực tế số người hiến tặng mô tạng nói chung, giác mạc nói riêng ở nước ta hiện vẫn quá hiếm hoi” – ông Hoàng chia sẻ.

GS Trịnh Hồng Sơn nhiều năm nay trăn trở với công việc tuyên truyền vận động hiến, điều phối ghép mô tạng

Tuyên truyền về hiến tạng còn bị gọi là… không bình thường

Cũng từ câu chuyện của cô bé 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc làm lay động trái tim hàng triệu con người mấy ngày vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Việt Đức) kể lại, ngày 22-2, khi các cán bộ của Trung tâm đang ăn trưa thì số máy điện thoại đường dây nóng rung lên.

Giọng nói ở đầu dây bên kia là của một người mẹ, bày tỏ mong muốn được hiến mô tạng của người con gái bé nhỏ mới 7 tuổi.  Người mẹ trao gửi ước nguyện với mong muốn còn có cơ hội được nghe lại nhịp đập trái tim con trong lồng ngực bạn nhỏ khác.

“Chị vừa nói vừa khóc rằng con gái sắp không thể qua khỏi và muốn hiến tặng mô tạng. Tim tôi nghẹn lại, sững sờ. Giây phút đó, tôi phải nén lòng để bình tĩnh, nói chuyện với chị một cách rất chậm rãi” - ông Phúc chia sẻ lại.

Theo ông Phúc, mỗi lần nhận được thông tin có người tình nguyện hiến tặng mô tạng khi qua đời là mỗi lần cảm xúc của những cán bộ làm công tác này dâng trào. Bởi dù có vận động hay tuyên truyền bằng cách nào đi chăng nữa, vất vả thế nào đi chăng nữa thì hiệu quả cuối cùng vẫn là phải mang về được những lá đơn đăng ký, những người đồng ý hiến tặng. Hiện chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức có hàng nghìn bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng nhưng nguồn tạng hiến quá khan hiếm.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng rất nhiều lần chia sẻ với báo chí rằng, nếu một người chết não hiến tặng mô tạng cho y học sẽ cứu được nhiều người bệnh còn sống khác.

Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 2 người chết não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chỉ cần số này đăng ký hiến tạng khi qua đời sẽ đáp ứng được nhu cầu, mang lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh, song số người hiến tạng khi chết não vẫn còn rất ít ỏi.

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, nhận thức của nhiều người dân về việc đăng ký hiến mô tạng còn hạn chế, e dè, thậm chí có những người đăng ký hiến mô tạng khi chết não còn bị người thân, bạn bè trách móc, phản đối. Định kiến về việc “chết toàn thây” trong xã hội vẫn khá nặng nề, phá bỏ định định kiến này để đẩy mạnh việc hiến mô, tạng và ghép tạng là rất khó.

Nhiều năm trăn trở với người bệnh, GS Sơn chia sẻ, không chỉ người dân mà ngay cả những cán bộ y tế như ông, dù rất tâm huyết, nhiều khi vừa đi mổ vừa tuyên truyền về hiến tạng, song khi nói quá nhiều về hiến tạng ông còn bị người khác cho là… không bình thường.

Cũng vì thế, ông luôn mong mỏi làm thế nào để việc hiến tạng trở thành thường quy, việc vận động hiến tạng không chỉ riêng của ngành y tế mà của toàn xã hội tham gia cùng.