Truyện cổ tích vào nghề dạy học

ANTD.VN - Tháng 12-1952, ngay sau ngày tốt nghiệp khóa sư phạm đặc biệt đào tạo giáo viên cơ bản dạy cấp I (nay là cấp Tiểu học) tại Khu học xá Trung ương ở bên nước bạn Trung Quốc, hơn 100 giáo viên trẻ (hầu hết từ 18 đến 20 tuổi) lập tức lên đường về nước phục vụ (*).

Tôi được Bộ Giáo dục cử về khu 3. Sở Giáo dục khu 3 cử tôi và 3 bạn nữa về tỉnh Hòa Bình. Cả 4 chúng tôi được cử về huyện rẻo cao Mai Đà (nay là 2 huyện Đà Bắc và Mai Châu), về 4 xã khác nhau mở trường cho trẻ em học. 4 xã này bây giờ thuộc huyện Đà Bắc. Tôi được về xã Quy Đức. Ủy ban huyện đặt ở trong xóm Lụm, gần Chợ Bờ.

Thế là sau khi đi bộ từ Hữu nghị quan tỉnh Lạng Sơn về Sở Giáo dục khu 3 ở Hậu Hiền, Thanh Hóa, ngay hôm sau tôi đi bộ từ Hậu Hiền về xã Chiềng Vang, huyện Vụ Bản nhận quyết định về huyện Mai Đà. Tết năm ấy, tôi đón xuân ăn Tết ở dọc đường. Khoảng 20 tháng Giêng âm lịch, tôi về tới Ủy ban huyện Mai Đà và ngay hôm sau, vượt dốc Sung vào xã Quy Đức.

Ủy ban xã cũng là nhà của anh Chủ tịch xã ở thôn Oi Luông, nằm chia đôi hai bên bờ suối Oi Thông ra gặp Sông Đà ở cửa Oi. Gặp anh Chủ tịch là làm việc ngay. Anh cho tôi biết, ở Oi Luông và cả xã Quy Đức này chỉ có hơn 10 người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Trẻ em chưa em nào biết đi học là gì.

Xã có 4 dân tộc: Đông nhất là người Mường, rồi đến người Thổ (tên gọi khác của người Tày), rồi đến người Mán (dân tộc Dao) và vài chục người Thái. Phụ nữ trong xã không một ai được gọi là biết chữ. Có mấy cô gái trong thôn được các anh bộ đội hành quân đi qua, đóng quân một, hai hôm đã dạy cho một ít chữ, ghép vần chưa thạo. Cả xã và cả thôn đang đói ăn. Chỉ biết hơi cơm trong mấy ngày Tết thôi, giờ ăn sắn khô, ngô khô, lá đu đủ đồ...

Bắt đầu từ đủ thứ “không”

Tôi phải ở nhà dân, xã không có nhà khách. Bấy giờ, giáo viên dạy học chưa có lương. Mỗi tháng được phát 18kg gạo, mỗi năm 4m vải chúc bâu trắng để may quần áo. Tôi sẽ phải góp 18kg gạo ấy với gia đình tôi đến ở để cùng ăn. Hết gạo, có gì ăn nấy. Cùng đói, cùng no. Lúc bấy giờ, cán bộ nhà nước đi công tác không được ăn ở tại nhà được xếp vào thành phần là địa chủ, lại không nên ở nhà phú nông mà xa rời nhân dân.  Tôi đến ở nhà một ông bố hơn 40 tuổi là bần nông.

Ngày ngày, tôi đi đến từng nhà trong thôn có trẻ em để vận động cha mẹ cho con đi học. Ai cũng lắc đầu: “Không biết làm cách gì để con đi học. Thầy giáo cứ mang nó đi mà dạy chữ cho nó”. Các em bé nghe nói phải đi học thì sợ, thấy thầy giáo đến nhà thì trốn vào trong buồng. Gần một tháng trời đi khắp mấy thôn xóm lân cận, tôi mới làm quen được với mấy em thiếu nhi bạo dạn, nhanh nhẹn để làm “cốt cán” rủ các em khác đi học, chuẩn bị cho việc lập lớp, mở trường. Gia đình nào cũng đồng ý cho con đi học, nhưng không có tiền mua giấy, bút, mực và không biết mua ở đâu. Các thứ ấy là thứ gì, không ai trông thấy bao giờ. Nào đã đi học đâu mà biết.

Đang thời vụ làm nương và chống đói, nhân dân chưa có thời gian góp tre, nứa, cây cột để làm lớp học cho học sinh, tôi phải nhờ anh Chủ tịch tìm cho một căn nhà dân rộng rãi có thể tạm thời làm lớp học. Ngày ấy, tôi được gọi là Chưởng giáo, chứ không phải là Hiệu trưởng, vì chỉ có một lớp học, một giáo viên.

Vào nghề dạy học với hai tay trắng, không trường lớp, không có sách giáo khoa để dạy, ngay viên phấn cũng không có. Mà, cũng chưa có cả học trò nữa! Để thu hút các em làm quen với thầy giáo, tôi nhờ mấy em “cốt cán” đi rủ các bạn đến nhà tôi ở, tôi dạy các em hát, múa và chơi các trò dân gian. Mới đầu chỉ lác đác mấy em, sau đông dần tới gần hai chục em, không định buổi sinh hoạt vì nhà các em ở rải rác, có em ở xa tới hai, ba cây số đường núi, leo dốc, lội suối nên khi nào có từ ba em trở lên đến nhà là tôi dạy hát, múa và kể chuyện. Thế mà, hễ nói đến đi học là các em im như thóc, chỉ cười cười hoặc lắc đầu: “Không biết học đâu!”.

Nhà văn Phong Thu 

Sự cố ngày mở lớp

Đến tháng thứ ba kể từ ngày về thôn, tôi quyết định cứ mở lớp, khai giảng năm học cái đã. Chưa có bàn ghế thì mượn chủ nhà cái chiếu trải ở giữa nhà để đặt vở viết thầy trò ngồi xung quanh. Sẽ dùng cánh cửa làm bảng viết chữ (học xong mang ra suối rửa), phấn là than củi lấy ở trong bếp (là than hồng nhúng vào nước, phơi khô). Sĩ số mà tôi đã “mời” được, chắc chắn là 7 em, 3 em nam, 4 em nữ vốn là “cốt cán” rất hăng hái, gần như ngày nào cũng ghé qua nhà tôi ở và háo hức chờ. Và đấy cũng là các em ở gần nhà chủ tôi tạm trú chờ ngày làm lớp học.

Không có sách giáo khoa thì tôi dạy truyền miệng từ chữ A đã. Tôi quyết định xuống Chợ Bờ bán chiếc đồng hồ đeo tay nữ, nhãn hiệu Thụy Sĩ mà chị họ tôi cho tôi vào năm học lớp đệ nhất trường Trung học Lê Quý Đôn của tỉnh (năm 1947) để lấy tiền mua vở, bút và mực cho các em học sinh. Tôi mua 15 suất giấy, bút, mực. Dưới chợ chỉ có giấy thếp là thứ giấy bồi, không có vở. Thế cũng đã mừng lắm rồi.

Buổi khai giảng sẽ mời anh Chủ tịch và ông Trưởng thôn. Hôm ấy là một ngày vào giữa tháng 4-1953. Từ sáng sớm tôi đã trải chiếu, xếp 7 quyển vở, 7 cái bút và 7 lọ mực quanh 3 góc chiếu, mặc quần áo chỉnh tề cùng 2 em là con bác chủ nhà cho mượn nhà làm lớp học. Tôi đi ra đi vào, lòng khấp khởi nghĩ tới buổi học đầu tiên này. Cả nhà đi làm nương hết. Tôi cứ hết đứng lại ngồi, ngóng qua cửa nhà sàn nhìn vọng ra bến nước của con suối...

Quãng chừng 7 giờ hay hơn kém ít phút gì đấy, bỗng có tiếng mõ, tiếng kẻng rộ lên từ phía núi bên kia từng nhịp 5 tiếng một (ngũ liệu) thật khẩn cấp. Rồi các nhà xung quanh cũng gõ mõ, gõ kẻng theo, có cả tiếng gõ xoong, nồi, chậu thau... Rồi bất chợt em học sinh mới tên là Tiến, con trai bác chủ nhà, từ dưới sân chạy thốc lên nhà, mặt tái mét, hét lên:

- Thầy giáo ơi! Khản bắt người rồi! (Thầy giáo ơi! Cọp bắt người rồi!) và tay run rẩy chỉ về phía ngọn núi đá bên kia suối...

Tôi lạnh toát cả người, phải ngồi bệt xuống sàn nhà. Im lặng đến phát sợ. Thế là đi tong ngày mở lớp học.

Chừng nửa giờ sau, bác chủ nhà cùng vợ hớt hải chạy về cho biết: “Cách một giờ ban nãy, một bà mế lên bãi đá bên sườn núi đốt vỏ ốc để lấy vôi ninh ngô khô thì bị con cọp thọt không biết đến từ đâu vồ chết, cắn nát ngực. Con cọp này thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện. Nó ở đâu, nơi ấy có người bị nó vồ!”.

Ký ức khó quên

Cả thôn chết lặng đến mấy ngày. Dân bản phải giết lợn để cúng. Không ai dám một mình ra khỏi nhà. Các thầy mo ở quanh vùng cũng hốt hoảng thẫn thờ đến chia buồn...

Mãi nửa tháng sau, cái lớp học nhỏ của tôi mới hoàn hồn, hội tụ đủ 7 em học sinh để... mở trường.

Chừng hai tuần sau, lớp học có thêm 3 em nữa. Bấy giờ tôi mới yên lòng, tin rằng vẫn có thể đặt địa điểm trường học ở thôn Oi Luông này...

Đêm cuối năm, lớp học của tôi đã có được 31 em.

Không có trống. Khi cần họp lớp, tôi dùng mõ gõ một hồi dài. Các em ở xung quanh nghe tiếng mõ của tôi sẽ gõ theo cho các bạn ở xa biết. Đấy cũng là lúc dân bản đã dựng cho thầy trò tôi một lớp học khang trang, bàn ghế toàn làm bằng tre, bương rất chắc chắn và đẹp.

Nhóm “cốt cán” đã có sáng kiến lấy đất sét trắng ở bờ suối nặn thành viên như viên phấn cho thầy giáo viết bài. Đến gần Tết thì lớp học có được cái bảng đen...

Lớp học không nghỉ ngày chủ nhật mà nghỉ vào những ngày đánh cá dưới suối của toàn thôn hoặc phiên chợ Bờ, ngày có đám cưới.

Rất tiếc, cũng lại sau Tết năm 1954 thì Ủy ban huyện điều động tôi về nhận công tác mới, phụ trách phong trào giáo dục cả phổ thông và Bình dân học vụ. Thôn Oi Luông ấy khi xây dựng Nhà máy điện Hòa Bình đã chìm dưới đáy biển hồ từ giữa năm 1984.

Từ đấy đến nay đã 64 năm, tôi cứ nhớ mãi cái buổi mở lớp hụt và bên tai thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng mõ gọi học sinh về họp lớp.

Mỗi lần viết một bài văn hoặc bài thơ về miền núi cho tuổi thơ, tôi lại như gặp lại 7 em “cốt cán” cùng tôi múa hát, mò đất sét trắng bên bờ suối để làm phấn. Tôi không vào nghề dạy học thì làm sao có được câu chuyện cổ tích này?

Tôi cứ nhớ mãi một em gái nghèo, không có cha, chỉ có mẹ. Khi tôi về mở lớp, mẹ em lại mới sinh em bé. Mới 12 tuổi, em thích đi học lắm nhưng phải ở nhà làm nương, kiếm củi, thay mẹ trông em... Thỉnh thoảng tôi lại thấy em đi qua, đứng ngoài cửa nhìn vào lớp một lúc, nom rất tội nghiệp. Nhà em ở cách lớp hơn một cây số bên kia suối. Tôi đã quyết định đến nhà em mỗi tuần 3 buổi để dạy em học chữ. Hôm là buổi chiều, hôm là buổi tối khi ban ngày em làm việc nhiều... Ngày tôi rời Oi Luông, em đã đọc thông viết thạo. Khi tôi về làm việc ở huyện, em đã viết thư hỏi thăm tôi... Em là cô bé học sinh duy nhất ngoài lớp học của tôi.

Nghề dạy học có những kỷ niệm và tình cảm thầy trò không thể nào quên được...

(Mùa thu 2017)