Truy cập mạng nhiều - Chớ ham

(ANTĐ) - Bạn có phải là người nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại di động dù đang có cuộc hẹn hò lãng mạn hay khi về nhà, kết thúc một ngày làm việc mà cảm thấy khó rời chiếc máy tính? Nếu vậy, có thể bạn đã “nghiện” truy cập mạng.
Nguy cơ mất chất xám Nhiều người đã kết thúc mọi công việc, buối tối họ có thể dành thời gian để đi dạo bộ, làm những việc khác cho các thành viên trong gia đình nhưng có khi lại bị máy tính, điện thoại như có nam châm hút vào. Điều đáng lo là đời sống trực tuyến khiến não bộ quen với sự kích thích liên tục nên có thể con người ta cảm thấy khó khăn hơn khi đối diện với cuộc sống đời thường, cụ thể là khó thích nghi với các hoạt động ở nhịp độ chậm hơn như khi chơi đùa với con trẻ, làm việc nhà… Đến một lúc nào đó, người ta bỗng rơi vào tình trạng dành thời gian cho điện thoại, nhắn tin, lướt web… mà không thể cưỡng lại được.
Truy cập mạng nhiều - Chớ ham ảnh 1
Ảnh minh họa
Mặt trái của “nghiện net” là điều mà thế giới đang tiếp tục tìm hiểu. Clifford Nass, chuyên gia tâm lý xã hội học ở Standford, Mỹ cho rằng, làm nhiều việc cùng lúc trên Internet có thể làm cho bạn quên mất cách “đọc” cảm xúc của người khác do thiếu tương tác trực tiếp giữa con người với con người. Tiến sĩ Nora Volkow, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy Mỹ thừa nhận bà cũng mất một thời gian khó khăn đấu tranh chống lại cảm giác kích động, bồn chồn với chiếc điện thoại BlackBerry. Bà giải thích rằng sự kích thích liên tục có thể kích hoạt các tế bào dopamine (hợp chất hóa học trong não, rất cần thiết cho hệ thần kinh trung ương) trong vùng nhân não -  trung tâm tạo ra cảm giác dễ chịu của não. Theo thời gian, với người sử dụng Internet ở mức độ nhất định nào đó, cấu trúc của não có thể thực sự thay đổi về thể chất. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã chụp cộng hưởng từ bộ não của 18 sinh viên đại học, những người thường dành khoảng 10 giờ vào mạng mỗi ngày. So với một nhóm được kiểm soát chỉ mất chưa đầy 2 tiếng mỗi ngày truy cập trực tuyến, các sinh viên đó có ít chất màu xám hơn, tức phần não chi phối suy nghĩ. Nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 6 trên tạp chí PLoS ONE, một tạp chí trực tuyến.“Cai nghiện” thế nào? Nếu là người không muốn cuộc sống thực của mình bị xáo trộn bởi cuộc sống quá tải vì mạng Internet, có thể hạn chế những tác động xấu đó bằng cách sau: Giới hạn thời gian sử dụng Internet. Hãy tạo cho mình một khoảng thời gian cụ thể, ví dụ 2 tiếng để trả lời e-mail, kiểm tra văn bản, giao dịch cá nhân khác. Sau đó, chỉ dùng máy tính và điện thoại mà không cần kết nối mạng. Luôn vào mạng có mục đích. Hãy nói với riêng mình: “Sẽ vào mạng để kiểm tra thư và mua chiếc áo tắm qua mạng”. Chỉ làm bấy nhiêu thôi và không lang thang ra các website có chủ đề khác. Nhìn ra cửa sổ. Mắt lơ đãng nhìn ra cửa sổ khoảng 2 phút cũng đủ để cho bộ não vận hành chậm lại một chút.  Thiết lập thời gian rảnh rỗi. Ví dụ sau 21h tuyệt đối không nhắn tin hay ít nhất 1 tháng có một ngày hoàn toàn “offline”. Hãy thử một ngày không internet, không thư điện tử...  với phương châm đó là lúc sống cho riêng bạn. Rủ rê bạn bè. Tán gẫu với ai đó, dù là cố bịa ra lý do để gặp nhau cũng là cách để tự “cai” mọi hoạt động liên quan đến tìm kiếm, sục sạo trên “rừng thông tin” trên mạng, đồng thời cải thiện trải nghiệm về giao tiếp xã hội của mỗi người. Hãy đi kiểm tra. Lời khuyên của các chuyên gia là nếu thành viên nào trong gia đình bạn có biểu hiện “nghiện” Internet, hãy đến cơ sở chức năng để kiểm tra và có liệu pháp xử lý thích hợp.