Trường học phải linh hoạt mua sắm nhiệt kế điện tử để theo dõi sức khỏe học sinh

ANTD.VN - Nhiều trường học phản ánh khó mua sắm đủ nhiệt kế điện tử trang bị cho mỗi lớp học khi học sinh quay trở lại trường với lịch dự kiến vào ngày 2/3.

Tại buổi họp trực tuyến về bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội chiều 25/2, nhiều địa phương chia sẻ thực tế khó khăn trong việc mua đủ mỗi lớp một nhiệt kế điện tử như chỉ đạo của UBND TP bởi số lượng lớp học là quá lớn trong khi thị trường không đáp ứng ngay một lúc số lượng mặt hàng này.

Đại diện Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết, các trường trên địa bàn và các nhóm trẻ đã trang bị được 650 nhiệt kế điện. “Chúng tôi tiếp tục tham mưu với quận, đối với khối công lập sẽ trích ở tiền chi thường xuyên để bảo đảm cho mỗi lớp có 1 nhiệt kế điện tử. Với các trường ngoài công lập, thực hiện việc này bằng nguồn kinh phí của nhà trường”.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, huyện này yêu cầu các trường chuẩn bị đầy đủ nhiệt kế và cố gắng mỗi lớp có một nhiệt kế điện tử. “Các trường học ở Đan Phượng hiện có tổng 1.100 lớp. Hiện nay, chúng tôi đã huy động chuẩn bị được 600 nhiệt kế điện tử, phấn đấu đến Thứ Sáu tuần này sẽ đạt 100% số lớp được trang bị thiết bị này”.

Các trường phải linh hoạt trong việc mua sắm nhiệt kế đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây cho biết, trên địa bàn có gần 1.100 lớp, nhưng mới chỉ trang bị đủ số lượng máy đo thân nhiệt được một phần số lớp.

Các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh… cũng có chung phản ánh về việc khó tìm mua đủ máy đo thân nhiệt điện tử dụng cụ đo nhiệt độ cho học sinh.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT Đông Anh cho biết, toàn huyện có 2.700 trường học nên đề xuất học sinh THCS, THPT có thể tự trang bị thiết bị nhiệt kế cá nhân, tránh việc mua sắm nhiều, tăng kinh phí.

Trước thực tế phản ánh này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh công nhận dù có tiền nhưng chưa chắc đã mua được một lúc với số lượng lớn bởi ngoài thị trường không có đủ. Do đó, các trường cần linh hoạt, không quá máy móc, làm sao vẫn giám sát, theo dõi được sức khỏe của học sinh.

“Không có máy đo điện tử thì chúng ta có thể sử dụng nhiệt kệ cặp nách, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phát hiện, nhận thấy thân nhiệt của trẻ có dấu hiệu sốt”- ông Hạnh đề xuất.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, trong tình hình thực tế, khó có thể đáp ứng được số lượng nhiệt kế điện tử lớn, các trường cần linh hoạt trong việc kiểm soát được nhiệt độ cơ thể học sinh để phát hiện ra học sinh có thân nhiệt cao và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly phù hợp.