Trung thu muôn chuyện mếu cười

ANTD.VN - “Trung thu Tết của thiếu nhi/ Mà sao người lớn cứ đi chơi nhiều…” - câu lục bát bông đùa chẳng rõ tên tác giả tếu táo mô tả chuyện “lấn sân” của người lớn với Trung thu, một dịp xưa chỉ dành riêng cho trẻ con và cũng chỉ có trẻ con là háo hức mong chờ từ trước đó cả vài tháng trời.

Bây giờ thì Trung thu của ai? Trung thu bây giờ của nhiều người nhưng nhất định không phải của trẻ con. Điều đó thể hiện ngay ở những hộp bánh dẻo bánh nướng - thứ bánh không thể thiếu vào những ngày Rằm tháng Tám.

Xưa cái bánh xinh xinh, hộp bánh giản dị không cầu kỳ nặng nề. Nhân bánh đơn giản, tí hạt dưa, mứt bí, mỡ lợn cùng lạp sườn. Thế thôi là đã đủ ngon đứt lưỡi bọn trẻ con thế hệ 7X như chúng tôi. Đủ khao khát ngóng trông năm nay sang năm khác.

Bây giờ, chỉ mới rục rịch tháng 7 thôi, các cửa hàng bánh đã chen nhau bày biện, quảng cáo bắt mắt. Những hộp bánh “thửa” có giá trị tới cả nghìn đô la cũng có, chỉ cần điều kiện đủ là… có tiền. Nhân bánh thì ngồi có kể nửa buổi cũng không hết, nào gà quay, tổ yến, vi cá mập, trà xanh, đậu đỏ, khoai môn, cốm xào… Có năm, người thành phố phát “sốt” lên vì những hộp bánh xách tay từ Hồng Kông (Trung Quốc) với nhân trứng chảy gì đó… giá vài triệu đồng/hộp.

Có năm lại “mốt” bánh Trung thu vảy vàng. Nghe nói ăn vào, vàng tác dụng điều hòa huyết áp rồi trẻ hóa làn da. 

Ôi thôi, chuyện bánh! 

Không biết có đúng không, nhưng nhiều người tôi quen thưởng thức xong hộp bánh thấy nhan sắc vẫn… y nguyên, còn lượng đường trong máu bỗng dưng tăng vọt.

Có năm người ta thiết kế những hộp bánh nhìn đến là thích mắt, như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, 4 cái bánh bên trong bé tí “gánh” thêm góc này trà Ô long, phía kia là thuốc lá, kèm thêm một chai rượu ngoại có độ tuổi ngang ngửa người viết bài này. Người đi biếu chân thành: “Em có hộp bánh cho cháu vui Trung thu”. Người được biếu dù con mới vừa biết bò rưng rưng xúc động cảm ơn: “Cháu nhà anh nó thích ăn bánh chú cho lắm!”. 

Than ôi, chuyện bánh! 

Một đồng nghiệp của tôi năm ngoái bông đùa trên mạng xã hội Facebook rằng: Nếu gắn chíp vào một hộp bánh thì có thể hộp bánh đó sẽ quay vòng từ nhà này sang nhà khác và chỉ hết mùa Trung thu thôi, có thể tổng quãng đường mà nó chạy vòng quanh phải đến hàng trăm km. Đấy, quan điểm Trung thu giờ không còn là của trẻ con nữa cũng có căn cứ lắm đấy chứ!

Bây giờ trẻ con thành phố có ăn bánh Trung thu không? Có nhưng ít. Bởi nhiều đứa trong nhà ê hề kẹo, bánh. Đó còn là bởi cái sự háo hức chờ đợi phá cỗ trông trăng không còn nhiều. Buổi tối của một ngày cận Trung thu, tổ dân phố, rồi lãnh đạo phường, quận thường tổ chức một đêm phá cỗ ở đâu đó đủ rộng cho trẻ em trên địa bàn. Trẻ con được tập hợp tới hội trường hay nhà văn hóa, rồi tùng tùng dinh dinh múa sư tử, rồi các bác, các cô, các chú lần lượt lên đọc diễn văn dài thườn thượt với niềm hy vọng các cháu mãi mãi là con ngoan trò giỏi, phấn đấu, trau dồi, học tập, vươn lên trở thành niềm tự hào của gia đình, cho dòng họ, thậm chí cho phường, cho quận, cho thành phố… Mãi rồi mới đến màn phá cỗ. 

Trên ti vi cũng tràn ngập các chương trình “Vui Trung thu” hay “Hội trăng rằm”. Các cô chú MC lớn tuổi “nhập vai” con trẻ, một cô Hoa hậu hay Á hậu đóng giả chị Hằng. Đến màn trao quà là những con búp bê xinh xắn, cô MC “ép” giọng cho ngây thơ, hỏi đứa trẻ vừa được nhận quà kiểu “như hai người bạn”: “Bạn ơi bạn có thích con búp bê này không? Ơ thế có à? Thế bạn thích nhất bộ phận nào của con búp bê? Đứa trẻ ngây thơ trả lời: “Thích cái mông!”. Sóng truyền hình trực tiếp như lặng đi trong vài tích tắc. Người xem truyền hình thì cười ồ. Ai bảo hỏi vặn trẻ con làm gì!

Trung thu bây giờ là thế! Chuyện bánh. Chuyện phá cỗ. Muôn chuyện mếu cười.  

Nhà cao ba bốn mươi tầng, đèn cao áp chắn cả ánh trăng, những đồ chơi Trung Quốc xanh-đỏ-tím-vàng nhạc léo nhéo át sạch cả đèn cù, đèn ông sao.

Càng sát ngày Rằm, con phố Thụy Khuê xưa vốn vắng vẻ bỗng chốc đông đến nghẹt thở. Người ta xếp hàng đi mua bánh, thứ bánh Trung thu làm theo chuẩn vị cũ. Bánh bán cũng không rẻ so với nguyên liệu làm ra. Chuyện xếp hàng eo xèo bán mua thì cũng lắm hỉ nộ. Nhiều người bức xúc, sao phải chen lấn xếp hàng nửa buổi như thời bao cấp mới mua được hộp bánh là thế nào? 

Ở thì tâm lý mà ra chứ có gì lấy làm lạ! Khi người ta đã chán những thứ được cho là cải biên, hiện đại, nâng cấp, vươn tầm thì lại muốn tìm về những thứ thuộc về truyền thống, về quá khứ. Hệt như có dạo, người Hà Nội “lên đồng” tìm đến các cửa hàng bao cấp để ăn những món mà thời gian khó nhìn thôi đã ngán. Ăn rồi xuýt xoa. 

Thôi thì, cứ gọi là thương nhớ ngày xưa! 

Trung thu bây giờ có còn hay không là ta cứ chờ 10 năm, 20 năm nữa, khi những thứ hào nhoáng này tan đi. Những gì đích thực là giá trị truyền thống sẽ đọng lại. Và khi đó mỗi khi trăng lên vằng vặc, ta lại nghe ngoài đường, trẻ con nắm tay nhau, xoay vòng quanh, ca bài ca “Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu…”.