Trung Quốc: Dùng ánh trăng nhân tạo thay thế đèn đường

ANTD.VN - Một tham vọng lớn đang được các nhà thầu tư nhân ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) ấp ủ nhằm thay thế toàn bộ hệ thống đèn đường ở thành phố này bằng hệ thống mặt trăng nhân tạo cho cường độ ánh sáng lớn hơn gấp 8 lần so với ánh trăng bình thường vào ban đêm.

Trung Quốc: Dùng ánh trăng nhân tạo thay thế đèn đường ảnh 1

Ánh sáng giống như hoàng hôn

Theo đó, dự án đầy tham vọng trên đã được công bố tại một sự kiện sáng tạo và doanh nghiệp tổ chức ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tại đây, ông Ngô Tuấn Phong - Chủ tịch Nhà thầu không gian tư nhân Chengdu và Viện nghiên cứu hệ thống vi điện tử Thành Đô, đã công bố kế hoạch phóng một vệ tinh chiếu sáng giống như “Mặt trăng nhân tạo” lên không gian (bầu trời ở thành phố Thành Đô). Ông Ngô Tuấn Phong còn nhấn mạnh rằng, vệ tinh này sẽ cung cấp một nguồn ánh sáng có cường độ lớn gấp 8 lần so với ánh sáng của đêm trăng bình thường, và thậm chí nó còn có thể chiếu sáng cả một khu vực rộng lớn có đường kính lên tới khoảng hơn 50 km2. 

Cường độ ánh sáng và thời gian hoạt động của vệ tinh “Mặt trăng nhân tạo” có thể điều chỉnh được, và độ chính xác của ánh sáng cũng được điều chỉnh đến từng 10m. Dự kiến đến năm 2022, vệ tinh này sẽ được phóng lên bầu trời Thành Đô. Mặc dù chưa biết chính quyền thành phố Thành Đô, hay Chính phủ Trung Quốc có đồng ý phát triển dự án này không, nhưng Nhà thầu không gian tư nhân Chengdu vẫn sẽ tiếp tục triển khai dự án, đồng thời khẳng định dự án trên hoàn toàn không gây lãng phí mà còn giúp giảm chi phí vận hành hệ thống đèn đường.

Có một số người đặt câu hỏi rằng, liệu khi phóng vệ tinh này lên có ảnh hương tới sức khỏe người dân hay không. Ông Ngô khẳng định, cường độ ánh sáng và hoạt động của vệ tinh sẽ được kiểm soát rất cao. Ngoài ra, ông Khang Vi Dân, Giám đốc Viện Quang học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho rằng, ánh sáng của vệ tinh “Mặt trăng nhân tạo” chỉ là ánh sáng mờ nên không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng như các loài động, thực vật khác.

Ý tưởng “treo chiếc vòng cổ bằng gương cho Trái đất”

Kế hoạch trên bắt nguồn từ ý tưởng treo một chiếc vòng cổ bằng gương cho Trái đất để có thể phản chiếu ánh sáng của những tia nắng Mặt trời trên các đường phố Thủ đô Paris (Pháp) quanh năm của một người nghệ sỹ Pháp. Trước đó, ý tưởng dùng vệ tinh mặt trăng nhân tạo đã được đề xuất và đã thực hiện ở một số nơi trên hành tinh của chúng ta. Những tham vọng đã được các nhà khoa học trên thế giới vạch ra có thể làm nền tảng cho các công trình nghiên cứu tiếp theo với những công nghệ hiện đại khác nhau. 

Cụ thể, năm 2013, tại thị trấn Rjukan (Na Uy) các nhà khoa học đã lắp đặt 3 chiếc gương lớn có điều khiển bằng máy tính để theo dõi chuyển động của Mặt trời và phản chiếu tia sáng của nó trên quảng trường ở Rjukan. Trước đó, năm 1990, một nhóm các nhà thiên văn học và kỹ sư người Nga đã thành công trong việc phóng một vệ tinh vào không gian để làm chệch đường đi của ánh sáng Mặt trời khi chiếu về Trái đất, khiến cho làm sáng nhanh hơn bán cầu bên kia. 

Với tham vọng trên, các nhà thầu Trung Quốc hy vọng kế hoạch đưa vệ tinh nhân tạo lên để thu về được lượng ánh sáng  dù cho không được nhiều nhưng nó có thể thay thế toàn bộ hệ thống đèn đường của cả một thành phố thì chuyện lại không hề nhỏ, bởi dự án này vừa mang lại sự tiết kiệm về ngân sách cho chính quyền và người dân Thành Đô. Bên cạnh đó, “thứ ánh sáng hoàng hôn” này không hề gây ảnh hưởng tới môi trường và thiên nhiên nên có thể triển khai rộng rãi hơn nữa trên khắp hành tinh.