Trót yêu em chồng

ANTĐ - Thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là một thung lũng nằm bên cạnh dòng sông Cu Đê yên bình được bao bọc bởi màu xanh thăm thẳm của núi rừng. Vài chục năm nay, người ta quen gọi nơi ấy là “thung lũng hoàn lương” vì mảnh đất này đã được nhiều người một thời lầm lỡ lựa chọn làm nơi ươm lại mầm thiện của bản thân. Trong số họ, có những người đã tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình dẫu có muộn màng, nhưng không phải may mắn luôn mỉm cười với tất cả, cũng có những phận người mang nhiều nỗi bất hạnh khi đã ở sườn dốc bên kia của cuộc đời...

Trót yêu em chồng ảnh 1
Quá khứ không yên bình

Tên gọi chính xác của “thung lũng hoàn lương” là xóm Bàn Bàng. Nơi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều các chị em phụ nữ, mỗi người mang một quá khứ không bình yên từ nhiều miền quê “hội tụ” về chung sống. Nghe kể lại thì “thung lung hoàn lương” được hình thành từ những năm 1985 thế kỷ trước, nơi những con người một thời lầm lỡ được giáo dưỡng tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng sau khi ra khỏi trung tâm không muốn trở về quê nhà vì mặc cảm với tội lỗi đã đến rồi ở lại mảnh đất này.

Và chính họ, không muốn ngựa quen đường cũ đã sống bên nhau, nương tựa vào nhau, cùng giúp đỡ nhau vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một tương lai may mắn ở cái “thung lũng hoàn lương này. Và cuộc đời bà Hà Thị Thu Thủy (SN 1955) như một minh chứng rõ ràng nhất, nó đầy ắp những nỗi bất hạnh từ quá khứ, đến hiện tại, và tương lai thì mịt mù.

Bà Hà Thị Thu Thủy từng là một kỹ nữ phải vào cải tạo tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng đóng tại xã Hòa Bắc. Rời trung tâm, bà Hà Thị Thu Thủy đã quyết định phục thiện ở chính mảnh đất này và kết hôn với một người đàn ông khuyết tật. Thế nhưng, đoạn cuối đời của người đàn bà này lại gặp nhiều bất hạnh bởi những căn bệnh quái ác bủa vây.

Từng là con gái trong một gia đình giàu sang ở xã Lộc Ninh, huyện Lộc Hưng, tỉnh Sông Bé (cũ), nay là tỉnh Bình Phước, Hà Thị Thu Thủy cùng các em của mình đã trải qua một tuổi thơ êm đềm với tình thương yêu của cha mẹ. Càng lớn Thủy càng xinh đẹp, được nhiều thanh niên trong vùng để ý. Thế nhưng, đúng như câu “hồng nhan đa truân”, cuộc đời của Thủy sau này đã có quá nhiều sóng gió.

Năm Thủy 15 tuổi, cha mẹ cô bé không may qua đời, những người thân đã gả cô cho một chàng trai là con nhà khá giả. Thủy chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu này để có thể lo cho các em của mình. Ai dè trong quá trình sinh sống ở nhà chồng, do chồng Thủy chẳng mấy khi ở nhà, người em chồng lại ân cần quan tâm, chăm sóc chị dâu mới lớn nên chẳng bao lâu sau hai người nảy sinh tình cảm nam nữ.

Lúc chuyện không hay của chị dâu - em chồng bị phát giác, chồng Thủy đã bỏ đi nước ngoài biệt tích. Người em chồng muốn được thay thế anh tiếp tục chăm sóc Thủy nhưng Thủy không còn mặt mũi nào ở lại căn nhà ấy. Sau cơn sóng gió này, Thủy đã vô cùng hoang mang, đau khổ và phải sống trong sự dị nghị điều tiếng xấu. Năm 1979, cô đã bỏ nhà ra đi rồi trở thành gái giang hồ, lang bạt từ Sông Bé ra tận Đà Nẵng.

Năm đó Thủy mới 24 tuổi, nhan sắc vẫn còn mặn mà lắm. Khi tiền hết, Thủy dấn thân vào con đường bán thân nuôi miệng. Chán đời, kỹ nữ này đã dùng những đồng tiền kiếm được từ thân xác của mình để “nướng” hết vào những cuộc ăn chơi xa xỉ, rượu chè, cờ bạc... Cuộc sống ăn chơi trác táng và buông thả của Thủy chỉ kéo dài gần 1 năm, sau đó cô bị bắt và đưa về cải tạo tại Trung tâm 05-06 vào năm 1980.

Làm lại cuộc đời

Những ngày đầu nhập trại, Thủy còn chưa quen với công việc nặng nhọc. Dần dần, được các cán bộ và bạn bè trong trại động viên, cô bắt đầu thấy hướng đi mới của cuộc đời mình. Hồi đó, trong trại có cả nam lẫn nữ, sống ở các khu tách biệt nhưng khi lao động hay sinh hoạt tập thể là lại gặp nhau.

Chính vì lẽ đó mà có nhiều đôi nam nữ đã yêu nhau và cùng dắt tay nhau bước về phía trước, bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỡ. Những cặp đôi như vậy được các cán bộ tác thành làm đám cưới rồi tạo điều kiện cho họ cùng nhau ra ngoài sinh sống, lập nghiệp. Năm 1984, Thủy bắt đầu đi làm nấu ăn ở xưởng gỗ gần đó. Công việc không nặng nhọc lại được làm việc trong nhà nên nhan sắc của Thủy vẫn mặn mà mặc dù đã gần 30 tuổi. Ngày đó, trong trại có một người đàn ông tên Mai Văn Năm là quản lý xưởng gỗ.

Ông Năm không cha không mẹ, lại bị cụt chân nhưng bù lại ông khá điển trai. Hai người gặp nhau như mối duyên trời định, họ cảm mến nhau lúc nào không hay rồi quyết định về chung sống với nhau. Khi quyết định đó được đưa ra, đã có nhiều luồng ý kiến phản đối từ những người bạn của bà Thủy. Bà Hà Thị Thu Thủy nhớ lại: “Khi ông ấy muốn cưới tôi làm vợ, ai cũng có ý ngăn cản vì hồi đó tôi còn đẹp, trong khi ông ấy lại cụt chân. Nếu về sống với ông ấy chắc chắn cuộc sống sẽ vô cùng vất vả vì ông ấy hầu như không lao động được. Họ lo tôi sớm muộn rồi cũng bỏ ổng mà quay về nghề cũ”.

Bất chấp lời can ngăn của nhiều người, họ vẫn đến với nhau và đã có 10 năm chung sống hạnh phúc trên mảnh đất trung tâm cho để dựng nhà. Quãng thời gian 10 năm ấy, bà Thủy làm lụng vất vả nuôi chồng không một lời ta thán. Bà cố gắng như vậy là bởi vì tình yêu đối với chồng, lúc đó, ông Năm là tất cả của bà. Thế nhưng người đàn ông mang đến niềm tin, nghị lực sống cho bà cũng bỏ bà đi vì bệnh tật năm 2001.

Trót yêu em chồng ảnh 2

Cuối đời bất hạnh

Tính ra đến giờ cũng đã mười mấy năm kể từ ngày ông Năm qua đời, thế nhưng bà Thủy vẫn quyết tâm ở lại ngôi nhà nhỏ của “thung lũng hoàn lương” này. Nhiều lần, hàng xóm khuyên bà xuống phố bán buôn cho đỡ khổ nhưng bà đều không nghe. “Xuống phố rồi liệu có thể tránh được những cám dỗ của đồng tiền, của đời sống xa hoa?”, bà tự đặt ra câu hỏi rồi vui vẻ chấp nhận cuộc sống đơn thân bên bàn thờ chồng ấm áp hương khói.

Những năm trước, hàng ngày bà Thủy phải đi kiếm củi bán lấy chút tiền để đổi gạo, mua thức ăn, ngày nào không đi kiếm củi được thì bà bứt rau rừng về ăn cho qua bữa. Làm lụng vất vả mà không chú ý đến sức khỏe nên những năm gần đây, bà Thủy đã yếu đi nhiều. “Thế rồi tôi bị tràn dịch phổi, bác sỹ bảo nghỉ không được làm việc nặng, thế nhưng nghỉ thì lấy gì mà ăn hả chú? Thế nên tôi cứ đi làm cho đến khi bệnh nặng không còn đi lại được nữa thì mới đi bệnh viện”, bà Thủy nhớ lại.

Khi bà Thủy được người hàng xóm đưa đến bệnh viện thì bệnh tình của bà đã quá nặng, bác sỹ lắc đầu. Người hàng xóm thương bà mới bảo để về bán con bò của nhà lấy tiền cho bà vay chữa bệnh chứ cứ để vậy thì chết mất. Bà Thủy cảm động nói: “Bò nhà anh nuôi mãi mới được, bán lấy gì nuôi các cháu. Thôi, em cha mẹ không còn, con cái không có, chết thì bệnh viện người ta lo, còn may mắn sống được thì em ở bờ ở bụi gì cũng xong. Anh về cầm sổ đỏ bán mảnh đất nhà em để em lấy tiền chữa bệnh...”. Sau 3 tháng nằm viện, bà Thủy gầy gò chỉ còn da bọc xương, khi bà về nhà, may mắn người ta vẫn cho ở nhờ trên đất cũ. Hàng xóm thương bà, cứ đến bữa mỗi người lại mang sang miếng cơm, bát cháo... 

Qua đợt bệnh tình hiểm nghèo đó, da bà Thủy bỗng bị đồi mồi, từng mảng da biến sắc, chỗ trắng, chỗ hồng, chỗ nâu người nào lạ nhìn lần đầu cũng cảm thấy sợ. Hiện tại, bà chỉ còn làm được những công việc nhẹ để có chút thu nhập ít ỏi cầm cự qua ngày. Năm nay đã 60 tuổi, người phụ nữ trải nhiều sương gió này còn mang trong mình nhiều căn bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, tương lai mù mịt cứ mãi bủa vây cuộc đời chìm nổi của người đàn bà này khi đã ở sườn dốc bên kia của cuộc đời...