Trên 80% bệnh nhân hài lòng với bệnh viện công, liệu có khách quan?

ANTD.VN - Bước đầu, qua kiểm tra chất lượng tại một số bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội năm 2017, chỉ số hài lòng của bệnh nhân với các bệnh viện đều tăng so với năm trước và đạt ở mức rất cao, từ 80% trở lên…

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh kiểm tra, đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Mới đây, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2017 theo bộ tiêu chí mới (83 tiêu chí) tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó tập trung đánh giá sự hài lòng người bệnh.

Tại đây, theo báo cáo của bệnh viện, trước đó bệnh viện đã tự đánh giá, kiểm tra nội bộ, kết quả cho thấy bệnh viện đạt 80/83 tiêu chí. Còn kết quả khảo sát hài lòng người bệnh, có gần 90% bệnh nhân nội trú cho rằng họ chắc chắn sẽ quay lại bệnh viện này, tỷ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là hơn 70%.

Tương tự, một đoàn kiểm tra khác của Cục Quản lý khám chữa bệnh đã kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện này cho biết, bệnh viện cũng đã tự kiểm tra, đánh giá theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện mới, kết quả bệnh việnd đạt được 79/83 tiêu chí.

Riêng Bệnh viện K – bệnh viện có kết quả xếp hạng về khảo sát sự hài lòng người bệnh thấp nhất năm 2016, trước khi Bộ Y tế kiểm tra, nhóm kiểm tra độc lập thuộc Viện Chiến lược chính sách y tế - Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh đã tăng từ 51% năm 2016 lên 86% vào năm 2017.

Tương tự, với các bệnh viện công trực thuộc TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội hiện cũng đã kiểm tra được một số bệnh viện như: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, Ung buớu Hà Nội, Xanh Pôn... Qua đánh giá ban đầu, chỉ số hài lòng của bệnh nhân ở các BV đều tăng so với năm trước.

Trong khi đó, trước đợt tổng kiểm tra bệnh viện trên toàn quốc, các đoàn kiểm tra, khảo sát độc lập đã khảo sát gần 170 cơ sở y tế trong cả nước. Kết quả cho thấy, 80% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng với thái độ ứng xử của y bác sĩ…

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, dù thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh đã thay đổi, chỉ số sự hài lòng của người bệnh với các bệnh viện được nâng lên và đạt ở mức cao, song thực tế các khảo sát này chưa phản ánh trọn vẹn bộ mặt khách quan của các bệnh viện hiện nay.

Bà Hạnh nêu rõ, từ thực tế đi chấm điểm bệnh viện, ở nhiều cơ sở y tế, việc đưa phong bì vẫn là “cái lệ”, chẳng hạn sản phụ đi đẻ thì người nhà tự giác chuẩn bị phong bì cho bác sĩ, đẻ thường biếu phong bì bao nhiêu, đẻ mổ biếu bao nhiều gần như đã thành luật bất thành văn mà người bệnh nào cũng tự nguyện chấp hành.

“Rõ ràng việc “cảm ơn” bác sĩ không phải do người ta vòi vĩnh mà đã thành tiền lệ và người bệnh đến đó phải chấp nhận theo tiền lệ đó chứ không phải phong bì xuất phát từ sự trân trọng, biết ơn của người bệnh” - bà Hạnh nói.

Trước thực trạng đó, bên cạnh việc tiếp tục yêu cầu, kêu gọi các bệnh viện tự đổi mới, tự nâng cao chất lượng bệnh viện đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hiện Bộ Y tế cũng khuyến khích các bệnh viện áp dụng mô hình khảo sát chủ động nhằm đảm bảo việc đánh giá sự hài lòng của người bệnh một cách khách quan hơn.

Cụ thể, sau TP.HCM, bắt đầu từ năm 2018 tới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện của thành phố triển khai ki-ốt với phần mềm điện tử đặt tại bệnh viện để lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người bệnh với bệnh viện. Sau đó, Sở Y tế sẽ công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng…