Trên 40 giáo viên Tiếng Anh tham gia hội thảo đổi mới dạy và học

ANTD.VN - Đại học RMIT Việt Nam tổ chức thành công hội thảo Teacher Talks - chuỗi sự kiện hỗ trợ phát triển chuyên môn cho cộng đồng giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam. 

Ông Jake Heinrich, Trưởng khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh  RMIT Việt Nam, cho biết chương trình tiếp nối thành công của TESOL Talks - chuỗi các buổi chia sẻ cách phát triển chuyên môn dành cho giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam do giảng viên tiếng Anh RMIT Việt Nam cùng một số đối tác thành lập năm 2014.

Các giảng viên tham gia diễn thuyết, trao đổi kinh nghiệm

“Teacher Talks là chuỗi các hội thảo phát triển chuyên môn cho thành viên cộng đồng giảng dạy tiếng Anh trong nước và quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam”, ông Heinrich nói.

Các buổi hội thảo đều diễn ra tại các cơ sở của RMIT Việt Nam. Ông Heinrich giải thích: “Teacher Talks tạo điều kiện để những người làm trong ngành trao đổi về cách làm tốt nhất, đồng thời tạo điều kiện để giáo viên tiếng Anh giao lưu và học hỏi lẫn nhau”.

“Mục tiêu chung của sự kiện là cung cấp cho người tham dự những công cụ thực tế và thích hợp mà họ có thể áp dụng ngay vào quá trình giảng dạy, đồng thời xây dựng cộng đồng giáo viên tiếng Anh, những người nhìn chung có thể cải tiến phương pháp giảng dạy và dần dần đem đến trải nghiệm học tốt hơn cho học viên của mình”, ông Heinrich chia sẻ thêm.

Với chủ đề Đổi mới Dạy và Học, hội thảo tại cơ sở Hà Nội, RMIT Việt Nam hôm nay gồm sáu phần trao đổi do giảng viên tiếng Anh, nhân viên của trường chia sẻ. Đặc biệt lần đầu tiên hội thảo có sự tham dự và chia sẻ của diễn giả khách mời là Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhã, trưởng khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các phần trao đổi tập trung chia sẻ cách làm mới nhằm nâng cao công tác giảng dạy và trải nghiệm của học viên.

Cô Ronnie Hill, Trưởng Bộ phận Sáng kiến mới của Khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh đồng thời là Trưởng ban tổ chức Teacher Talks, cho biết: “Dù đối tượng tham dự đa dạng đến từ các cơ sở giảng dạy ngôn ngữ, trường phổ thông và đại học trong nước, nhưng sau hội thảo, tất cả sẻ có được những kỹ năng và cách nghĩ mới, có thể vận dụng ngay vào lớp học của mình”.

Trong bài thuyết trình đầu tiên của mình, giảng viên Tom Cuming chia sẻ về Kiến tạo Cộng đồng Học tập Chuyên nghiệp. Theo đó, ảnh hưởng của các Cộng đồng Học tập Chuyên nghiệp (Professional Learning Communities - PLC)  đối với việc thúc đẩy việc học cho giáo viên cũng như nâng cao kết quả học tập cho sinh viên là rất rõ nét. Vấn đề là làm sao để duy trì được những cộng đồng học tập chuyên nghiệp này một cách bền vững. Ông Tom nói đến một số vấn đề côt lõi của PLC đó là thúc đẩy chia sẻ và sáng tạo, vf tạo dựng mạng lưới.

Trong khi đó, liên quan đến một vấn đề “sát sườn” đối với mỗi giáo viên, tiến sĩ Thanh Nhã chia sẻ về chủ đề “Trang bị cho giáo viên để thích nghi với thay đổi một cách hiệu quả”. Theo bà, thay đổi là điều các giáo viên đang giảng dạy môn tiếng Anh tại Việt Nam không hề xa lạ, ngược lại, họ gặp chúng gần như hằng ngày. Những thay đổi này có thể đến từ chính sách mới, sách giáo khoa mới, môn học mới, lớp học mới, học sinh mới, yêu cầu kiểm tra mới... Trong phần chia sẻ của mình, bà nói về những cách thức và hỗ trợ để giúp các giáo viên tiếng Anh tự tin dối diện với những thay đổi đó.

Liên quan đến việc nâng cao trí nhớ dài hạn, một yếu tố quan trọng trong việc học, Quản lý chương trình tiếng Anh - Khoa ngôn ngữ và Tiếng Anh đại học RMIT, ông Daniel Ruelle giới thiệu một công cụ hữu hiệu mang tên “Spaced repetition”. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ một số công cụ khác dựa trên nền tảng website ví dụ Anki, Cerego, Memrise. Những công cụ sẽ giúp ích cho việc nâng cao vốn từ và duy trì chúng trong trí nhớ dài hạn của người học.

Giảng viên Tom Cuming chia sẻ về Kiến tạo Cộng đồng Học tập Chuyên nghiệp 

Trong phần chia sẻ của mình, giảng viên tiếng Anh RMIT Việt Nam Julie David nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng làm việc làm bằng cách trang bị cho các em những kỹ năng của thế kỷ 21 như hợp tác và làm việc nhóm, sáng tạo và trí tưởng tượng, tư duy phản biện, và giải quyết vấn đề. Cô chia sẻ với người tham dự cách để đưa những kỹ năng này vào lớp học bằng cả phương pháp giảng dạy theo hoạt động và tích hợp.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giảng viên tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sau khi tham dự hội thảo “Những chia sẻ của thầy Tom Cuming đã cho tôi một định hướng về sự thay đổi của giáo dục và vai trò của giáo viên trong tầm nhìn khá xa. Trong khi đó, phần trao đổi của tiến sĩ Thanh Nhã không chỉ hữu ích với giáo viên mà còn đối với những người làm quản lý. Hướng tiếp cận của giảng viên Julie David rất thú vị vì cô cũng là một giáo viên, bản thân tôi và các giáo viên khác có thể học và ứng dụng được ngay những kỹ thuật mà cô đã chia sẻ trong bài giảng trên lớp của mình”.

Khoảng 40 giảng viên và giáo viên tiếng Anh đến từ các trường cấp 2, cấp 3, đại học trên toàn địa bàn Hà Nội đã tham dự hội thảo hôm nay tại cơ sở Hà Nội, đại học RMIT. Hai sự kiệnTeacher Talks do RMIT Việt Nam tổ chức cũng đã diễn ra ở Đà Nẵng và TP. HCM trong tháng 5-2018.