Trẻ tử vong khi đi bơi tại bể bơi: Ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Mới đây, tại quận Lê Chân, Hải Phòng xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Trong khi đi bơi tại bể bơi cùng bố và anh trai, bé trai tên N.N.P, học sinh lớp 1 đã bị đuối nước dẫn đến tử vong. Đáng buồn, đây không phải sự việc hiếm gặp.

Những vụ việc đau lòng

Được biết, khi tới bể bơi trong KTX Trường ĐH quản lý và công nghệ Hải Phòng, bố và anh trai bơi ở bể dành cho người lớn thì P bơi ở bể dành cho trẻ em. Tuy vậy, sau đó P đã di chuyển từ bể bơi của trẻ em sang bể bơi của người lớn tìm bố và anh thì bị đuối nước. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, bể bơi có khá nhiều người nhưng không ai biết P rơi vào tình trạng nguy hiểm, đến khi phát hiện sự việc thì đã quá muộn.

Bể bơi - nơi xảy ra tai nạn chết người đã có thông báo tạm dừng hoạt động

Trước đó, tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng xảy ra một vụ chết đuối tương tự. Em L.V. T (SN 2007, ở thị xã Hương Thủy) được phát hiện khi đã tử vong dưới bể bơi phường Thủy Dương, mặc dù tại thời điểm T bơi ở bể có nhiều người bơi và cả nhân viên cứu hộ, huấn luyện viên dạy bơi.

Còn tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, một nam sinh 17 tuổi khi bơi tại bể bơi của cung cũng đã gặp nạn ở bể bơi ngoài trời có độ sâu 5m và có 6 nhân viên cứu hộ.

Sau những vụ việc trên, điều khiến dư luận quan tâm là trong dịp hè số lượng trẻ em đến các bể bơi hàng ngày rất đông. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh bể bơi đua nhau hốt bạc. Tuy vậy, khi xảy ra tai nạn đuối nước, dường như chỉ có người bơi là chịu thiệt. Vậy quy định hiện hành về trách nhiệm pháp lý đối với các bên liên quan khi xảy ra sự cố tại các bể bơi ra sao?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Về nội dung trên, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, ngành nghề kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Điều 17 Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thể dục, thể thao sửa đổi nêu rõ, điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước gồm: Có nhân viên cứu hộ; Cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, theo Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL, kích thước bể bơi được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6m x 12m hoặc có diện tích tương đương. Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m.

Bên cạnh đó, thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch. Bể bơi phải có dây phao được căng để phân chia các khu vực của bể bơi, dụng cụ cứu hộ (sào cứu hộ, phao cứu sinh, ghế cứu hộ…), biển báo khu vực dành cho người không biết bơi, người biết bơi…

Ngoài ra, các bể bơi cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn về mật độ tập luyện, hướng dẫn tập luyện và cứu hộ, bảo đảm có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện và thi đấu. Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200m2 mặt nước bể bơi/1 nhân viên, trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải bảo đảm ít nhất 50 người bơi/1 nhân viên trong cùng một thời điểm. 

Cũng theo Luật sư Thu, khi xảy ra tai nạn dẫn đến chết người tại bể bơi, cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và xác minh nguyên nhân tử vong. Nếu do lỗi của các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc nhân viên của các cơ sở này thì các cơ sở kinh doanh bể bơi phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại với các khoản: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc mai táng và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần... theo BLDS 2015.

Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, cá nhân có trách nhiệm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 129 BLHS năm 2015 với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.