Trẻ nhập viện tăng vì trời nồm ẩm

ANTĐ - Những cơn mưa phùn rả rích không ngớt khiến độ ẩm luôn trong tình trạng xấp xỉ bão hòa, không chỉ gây phiền phức cho người dân mà còn khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn vì người già và trẻ em phát bệnh. Những ngày qua, các cơ sở y tế nhi khoa tăng đột biến lượng bệnh nhân.
Trẻ nhập viện tăng vì trời nồm ẩm ảnh 1

Bệnh hô hấp tăng mạnh

Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này luôn trong tình trạng đông đúc. Đa số các bệnh nhi đến khám với các dấu hiệu ho, sổ mũi kéo dài. Theo Ths.BS Chu Minh Hiền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh thì 2 tuần trở lại đây số trẻ nhập viện với các bệnh lý viêm đường hô hấp tăng nhiều so với cuối tháng 2. Chính việc không khí có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn, nấm mốc, bọ, bụi nhà… phát triển, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp (bệnh viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi), bệnh tiêu hóa ( tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm khuẩn) ở trẻ nhỏ.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ vào viện vì nhóm bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen cũng tăng 30% so với bình thường. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển và là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ, khiến số trẻ nhập viện khám và điều trị tăng lên. “Với những bệnh nhi viêm mũi dị ứng kéo dài, viêm tiểu phế quản, hen… khi đi khám, ngoài hỏi bệnh, chúng tôi bao giờ cũng nhắc cha mẹ về nhà kiểm tra phòng ngủ, giường nệm có nấm mốc hay không. Khi dọn dẹp sạch chỗ nấm mốc, thay ga đệm, giặt rèm cửa thì trẻ cũng đỡ ho, đỡ chảy mũi hơn” - TS Dũng cho biết.

Đối phó với trời nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm như hiện nay không chỉ làm sàn nhà ẩm ướt, khó chịu mà chính là môi trường để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Nấm mốc không chỉ thể hiện ở những vết rêu mốc trên tường, đồ đạc mà còn lơ lửng trong không khí, mắt thường không nhìn thấy được, khi hít vào rất dễ gây bệnh. Để phòng bệnh cho trẻ và những người dễ bị bệnh, cần hết sức chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường sống, tránh hút thuốc. Làm khô không gian sống bằng cách tránh mở cửa nhiều để hạn chế không khí ẩm vào nhà, có thể dùng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm… Không phơi quần áo ướt trong nhà, không lau nhà bằng khăn ướt. Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ. Nên xếp đồ đạc lên cao, để thoáng gầm giường tủ để tránh mọc nấm mốc mà không biết. Tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. 

Bên cạnh đó cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ theo lịch, cách ly nguồn lây bệnh.