Trẻ ngủ trưa bao lâu là đủ?

ANTĐ - Trong kỳ nghỉ dài ngày, trẻ ở nhà ít nhiều được tự do hơn nên sau dịp đó, chúng có thể chưa kịp thích nghi trở lại với lịch sinh hoạt hàng ngày. Trong khi, ngủ ngày nhiều có thể dẫn đến mất ngủ ban đêm, thì ngủ trưa quá ít khiến trẻ trở nên “quá khích” trước giờ ngủ tối. 

Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, ngủ trưa hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển trí não

Mỗi lứa tuổi có nhu cầu riêng

Sau khi chào đời, trẻ con sẽ liên tục có những giấc ngủ ngắn suốt cả ngày lẫn đêm. Trẻ độ tuổi sơ sinh có thể ngủ gật 20 phút, 1 tiếng tỉnh táo, sau đó ngủ tiếp 3 tiếng. Trong những tháng đầu tiên này, mẹ có thể thử chơi với con trong ngày để giúp con tỉnh táo, “để dành” cho giấc ngủ đêm nhưng không cần phải đánh thức trẻ trừ khi bé ngủ liên tục 4 tiếng đồng hồ mà quên dậy ăn. 3 tháng tuổi, lịch thức ngủ của trẻ sẽ rõ ràng hơn, trẻ sẽ ngủ ngày từ 2 đến 4 lần, mỗi lần kéo dài từ 30 phút đến 2 tiếng.

Khoảng 1 tuổi, trẻ có nhu cầu ngủ ngắn 2 giấc vào buổi sáng và sau giờ trưa. Đến 16-18 tháng tuổi, em bé sẽ chuyển đổi sang lịch trình chỉ có một giấc ngủ trưa trong ngày. Cơ bản là vậy nhưng cũng có một số trẻ cần ngủ nhiều hoặc ít hơn trẻ khác. Thông thường, giấc ngủ ngày ở trẻ tập đi là từ 1 đến 3 tiếng mỗi ngày. Cũng giống như giai đoạn sơ sinh, bé sẽ tự thức dậy nếu đã ngủ đủ, trừ khi li bì quá 3 tiếng thì người lớn phải đánh thức bé.

Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ trước tuổi đi học không cần một giấc ngủ trưa kéo dài quá 2 tiếng đồng hồ. Ngoài 5 tuổi, trẻ đi học sẽ được lợi trong thời gian nghỉ trưa. Có những em không thể bỏ thói quen ngủ trưa là do không ngủ đủ giấc vào ban đêm, tuy nhiên, nên đánh thức trẻ sau 20-30 phút.

Giữ giấc ngủ ngon cho trẻ

Thông thường, một số thay đổi nhỏ trong lịch ngủ ngày của trẻ có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe tổng thể của bé. Để trẻ có sức khỏe  tốt nhất, quan trọng là giúp trẻ hình thành lịch ngủ đúng giờ giấc. Trước khi đi ngủ buổi tối, cha mẹ có thể tạo thói quen giúp trẻ đánh răng, đọc một câu chuyện hoặc thậm chí thay bộ đồ ngủ để báo hiệu đã đến lúc lên giường. Nếu đến đêm trẻ vẫn tỉnh táo và không muốn đi ngủ, thì chú ý đừng cho trẻ ngủ ngày lâu quá, nhưng ngược lại, trẻ không ngủ ngày không có nghĩa là chúng sẽ ngủ tốt hơn vào ban đêm.

Đối với giấc ngủ trưa, có bé dễ dàng thiếp đi nhưng cũng có trẻ mỗi lần đi ngủ như… đánh vật. Dưới đây là một số bí quyết giúp trẻ ngủ trưa tốt hơn:

• Theo dõi các dấu hiệu phổ biến khi trẻ buồn ngủ là yên lặng hơn, cũng có thể trẻ rối lên và quấy khóc, gãi tai và mắt, không còn quan tâm đến đồ chơi hay chơi đùa, mút ngón tay cái và dĩ nhiên: ngáp dài.

• Nắm được lịch sinh học của trẻ. Tùy thuộc vào lứa tuổi mà trẻ có thể ngủ ngày từ 1 đến 3 tiếng. Sự thật là khung giờ ngủ ngày này chỉ bị chệnh đi một ít cũng có thể khiến trẻ khó ngủ ngon.

• Hãy nhớ rằng mở tivi khiến trẻ dễ chống lại giấc ngủ ngắn mà bỏ lỡ dấu hiệu buồn ngủ của mình.

• Tạo không gian thoải mái đón giấc ngủ trưa, ví dụ môi trường yên tĩnh hơn, đèn tối đi. Điều này giúp hoạt động của não chậm lại, trẻ sẽ sẵn sàng đi vào  giấc ngủ.