Trẻ em bị sâu răng - đừng tưởng là chuyện nhỏ

ANTĐ - Số liệu từ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cho biết 85% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng. Đó là con số đáng báo động về tình trạng sức khỏe răng miệng của người Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng.  Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng, trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vì vậy, việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này. 

85% trẻ em bị sâu răng

Sâu răng sớm là hiện tượng xuất hiện rất phổ biến ở trẻ, chiếm tỷ lệ 30 - 50% ở các nước phát triển và đến 70% ở các nước đang phát triển.  Nguyên nhân do nhiều trẻ có thói quen ăn bánh, kẹo ngọt liên tục trong ngày, không theo bữa và ăn xong không đánh răng. Bên cạnh đó là việc rất ít trẻ được khám và điều trị các bệnh về răng miệng kịp thời. Sự hình thành sâu răng phụ thuộc vào các axít hữu cơ được tạo ra từ sự lên men của các carbohydrate trong thức ăn do vi khuẩn làm giảm độ pH ở các mảng bám răng và tạo ra những chỗ bị mất khoáng. Sâu răng ban đầu có dạng các điểm trắng đục trên men răng và các lỗ sâu răng sẽ xuất hiện khi tình trạng mất khoáng tiến triển mạnh.

Nhóm các vi khuẩn atreptococcus mutans có liên quan đến sự hình thành sâu răng. Các vi khuẩn này có khả năng bám dính vào men răng, tạo ra nhiều chất axít và sống ở môi trường pH thấp. Khi men răng bị thủng lỗ, các loại vi khuẩn khác (các lactobacillus) sẽ sinh sôi ở răng, tạo ra môi trường axít và thúc đẩy hóa trình mất khoáng. Sự mất khoáng do axít được tạo ra từ vi khuẩn phụ thuộc vào số lần tiêu thụ và loại carbohydrate có trong thức ăn.

Sâu răng sớm ở trẻ có thể xuất hiện sớm trước 12 tháng tuổi. Các đối tượng có nguy cơ bị sâu răng bao gồm những trẻ thường xuyên ăn chất đường (thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường, bánh snack), trẻ có nhiều người thân như cha mẹ hay các anh chị em ruột bị sâu răng, hay trẻ có dị dạng ở răng.

Hậu quả khó lường

Các bậc cha mẹ thường chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ. Nhiều cha mẹ quan niệm răng sữa chỉ tồn tại vài năm, sau đó được thay răng mới. Vì vậy rất nhiều trẻ em không được đánh răng trước khi đi ngủ mà chỉ súc bằng nước lọc. Chính việc đó đã tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở và hình thành những lỗ sâu răng. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ khiến cho răng sâu bị hủy hoại toàn bộ và tủy răng cũng bị tổn thương, dẫn đến viêm tủy gây đau, nhức. Viêm tủy răng có thể tiến triển đến hoại tử, vi khuẩn xâm lấn xương ổ răng và gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng vùng mặt.

Vì vậy, để dự phòng các bệnh răng miệng và các biến chứng, cần tăng cường công tác phòng bệnh và điều trị sớm, có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Đối với trẻ, người lớn cần hướng dẫn các em cách chải răng miệng đúng cách. Hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng sau khi ăn ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.

Bên cạnh đó, có thể cho fluor vào nước sinh hoạt hàng ngày với nồng độ 1ppm. Để tránh trường hợp dùng quá liều fluor cần thiết, bác sĩ không kê đơn thuốc fluor với số lượng quá 120mg. Biểu hiện cấp tính của quá liều fluor (cao hơn 5mg/kg) cần được xử trí khẩn cấp. Dùng các dạng fluor bôi ngoài (do bác sĩ chỉ định) có lợi cho các bệnh nhi có nguy cơ bị sâu răng.

Nếu trẻ có dấu hiệu sâu răng, cần được đưa đến bác sĩ răng hàm mặt. Với trẻ dưới 3 tuổi thường ít hợp tác trong quá trình điều trị răng, có thể phải gây tê, gây mê trong lúc trám răng. Sau 4 tuổi, trẻ sẽ có khả năng hợp tác hơn.

Trám bít hố rãnh răng bằng resin được ghi nhận là có hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng ở các răng cối sữa và răng cối vĩnh viễn. Trám bít hố rãnh có hiệu quả nhất khi các răng vừa mọc (trẻ 1 - 2 tuổi) và cho các trường hợp răng cối có khe sâu hay rãnh sâu.