Tránh mất mạng hoặc đi tù "oan" khi phát hiện trộm vào nhà

ANTD.VN - Khi bất ngờ gặp trộm trong nhà, lộ diện và đối đầu không phải là biện pháp khôn ngoan, nhất là trong tình trạng nhiều kẻ phạm tội sẵn sàng "đầu trộm đuôi cướp" như hiện nay. 

Trong vụ án mạng xảy ra khoảng 20 giờ tối ngày 5-11, bà Nguyễn T.T (66 tuổi, trú tại Phố Cao, thị trấn Trần Cao, Hưng Yên) phát hiện có trộm vào nhà, đã hô hoán nhưng bị hung thủ dùng dao đâm vào cổ dẫn tới tử vong.

Nhiều người tập trung tại hiện trường xảy ra vụ việc ở Hưng Yên

Khác với phản ứng của bà T, trong một vụ khác xảy ra năm 2017, ông Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại dùng kiếm chém trộm nên bị truy cứu về tội “Giết người” và nhận án 9 năm tù giam.

Vậy, khi phát hiện trộm vào nhà, chúng ta cần xử lý như thế nào cho phù hợp và làm sao để bảo toàn tính mạng cho bản thân mình và những người xung quanh?

Bình tĩnh xử lý

Theo chỉ huy Đội CSHS CAH Gia Lâm, mỗi vụ án là một tình huống khác nhau. Tuy nhiên, gặp tình huống cướp hay trộm vào nhà, cần giữ bình tĩnh và đầu tiên phải nhớ đến việc giữ gìn mạng sống của mình rồi mới tìm cách đối phó lại.

Nhìn từ các vụ án xảy ra cho thấy, dù gặp trộm vào nhà hay cướp ngoài đường thì vấn đề đầu tiên người bị hại cũng cần bình tĩnh để xử lý tình huống. Bởi khi xảy ra sự việc đa số bị hại đều nghĩ rằng, trộm, cướp sẽ hoảng sợ nếu mình kêu cứu, tri hô, nhưng điều đó chỉ đúng một phần.

Không nên hô hoán

Việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy hiểm. Về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Việc gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán sẽ khiến chúng manh động.

Do vậy khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy tri hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn, mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.  

 Nếu đã lộ diện với kẻ đột nhập, cần giữ khoảng cách an toàn, không vội la hét, kêu cứu, mà phải tìm cách tự vệ, phòng thủ, bảo vệ an toàn cho mình, trước khi tính đến việc bảo đảm an toàn cho người thân.  

Ứng biến khôn khéo

Theo VnExpress, tùy theo cấp độ nguy hiểm của tình huống phát hiện kẻ đột nhập để có cách ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Tình huống 1: Phát hiện kẻ đột nhập đang tìm cách vào nhà

Bình tĩnh, kín đáo quan sát, đánh giá tình huống, mức độ nguy hiểm, tương quan lực lượng để có cách xử lý phù hợp. Nếu nhà có đông người, có đàn ông, có thể nhẹ nhàng đánh thức họ, yêu cầu họ thật bình tĩnh và cùng bàn bạc để đưa ra cách xử lý.

Nếu nhà neo người, không có đàn ông, cần phải bình tĩnh, kín đáo quan sát đặc điểm nhận dạng, hành động của kẻ đột nhập, bất ngờ bật điện, hô hoán thật to để kẻ đột nhập giật mình tháo chạy. Sau đó, cần báo cho cơ quan chức năng về vụ việc sớm nhất có thể.

Tình huống 2: Phát hiện kẻ đột nhập đã ở trong nhà

Bình tĩnh, kín đáo quan sát xem đối tượng có đồng bọn không, đang ở chỗ nào, xác định đối tượng tìm kiếm tài sản hay vì mục đích khác. Xác định vị trí của mình trong nhà, tìm vị trí phòng thủ tốt nhất, tìm vũ khí tự vệ, tự bảo vệ cho mình trước khi bảo vệ cho người thân.

Tiếp tục quan sát kẻ đột nhập, khi thời cơ thích hợp, bất ngờ hô thật to “bắt trộm, bắt trộm” kết hợp với việc tạo ra âm thanh lớn (dùng vật cứng gõ vào vật dụng bằng gỗ hoặc kim loại; đập bể đồ gốm…) gây ra sự hoảng loạn cho kẻ đột nhập, làm cho hắn không biết ta có bao nhiêu người, đang ở đâu nên buộc phải tháo chạy. Chú ý giữ khoảng cách an toàn, không nên đuổi theo, không nên bật đèn ngay, nên chờ cho kẻ đột nhập tháo chạy, cảm nhận an toàn mới bật đèn.

Tình huống 3: Bất ngờ phát hiện kẻ đột nhập đang tiếp cận mình trong phòng ngủ

Một số đối tượng đột nhập liều lĩnh tiếp cận với nạn nhân, đột nhập vào phòng ngủ để tìm kiếm tài sản hoặc thực hiện các hành vi nguy hiểm như sàm sỡ, hiếp dâm, khống chế, ám sát… Trong tình huống này, bất kỳ ai cũng hoảng sợ nên cần phải nhanh chóng trấn tĩnh, lùi vào thành giường hoặc góc phòng, im lặng, không la hét, thủ thế phòng vệ.

Nếu kẻ đột nhập hoảng sợ thoát chạy, cứ để cho hắn chạy thoát rồi mới hô hoán nhờ người thân trợ giúp, không nên la hét hoảng loạn hoặc đuổi theo sẽ rất nguy hiểm.

Nếu kẻ đột nhập không bỏ chạy mà có ý định khống chế, chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi dâm ô, không nên chống cự, nương theo yêu cầu của hắn, thậm chí tỏ ra hợp tác với hắn, thực hiện mọi yêu cầu của hắn nhưng phải thực hiện thật chậm để kéo dài thời gian. Chờ cơ hội bất ngờ ra tay phòng vệ hoặc trốn thoát.

Nếu nhận thấy kẻ đột nhập có ý định sát hại (lao vào đâm, bóp cổ…), nhanh chóng di chuyển, né tránh, cầm ném bất kỳ vật dụng nào trong phòng vào hắn. Đừng vội chạy ra cửa, di chuyển vòng quanh trong phòng, để kẻ đột nhập theo vào góc phòng, tìm cơ hội thoát ra bên ngoài bằng cửa ra vào. Kết hợp hô hoán thật to, gọi tên bất kỳ người thân nào, tạo nên sự hoảng loạn ở kẻ đột nhập.

Tình huống 4: Bị kẻ đột nhập khống chế, đe dọa, buộc đưa tài sản

Tỏ ra thiện chí hợp tác, chỉ chỗ giấu tài sản, lấy tài sản đưa cho kẻ khống chế, không nên tỏ ra chống đối, bất hợp tác. Nếu có cơ hội, có thể tác động, thuyết phục, lay động lương tâm của kẻ khống chế. Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để thoát khỏi sự khống chế. Đồng thời, phải kín đáo quan sát, ghi nhận đặc điểm nhân dạng, lời nói, hành động, cử chỉ của kẻ khống chế nhằm cung cấp cho cơ quan chức năng sau này.

Bắt giữ nếu thấy đủ khả năng

Theo Tiền phong, với những trường hợp phát hiện trộm vào nhà, nếu cảm thấy đủ khả năng bắt giữ thì tiến hành bắt giữ, khống chế ngay đối tượng sau đó thông báo cho những người xung quanh biết, đồng thời báo ngay cho công an hoặc chính quyền địa phương đến để họ thực hiện các thủ tục bắt giữ người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.

"Tuyệt đối chúng ta không được đánh đập, hành hung... đối với người thực hiện hành vi trộm cắp. Tính mạng, sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ tuyệt đối, không ai có quyền xâm phạm nếu không được phép

Còn trong trường hợp không thể bắt giữ được người đang thực hiện hành vi trộm cắp, chúng ta có thể đánh động bằng cách bật điện sáng trong nhà, hô hoán mọi người hàng xóm cùng nhau đuổi bắt đối tượng nhưng sau khi bắt được phải báo ngay với cơ quan chức năng. Trong trường hợp đối tượng trốn thoát thì nên báo ngay cơ quan công an có thẩm quyền để họ thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ và tiến hành truy bắt nếu có căn cứ cho rằng đó là hành vi phạm tội”, luật sư phân tích.