Tranh luận quanh phương án tăng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Thời gian lấy ý kiến cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi vừa kết thúc. Tuy nhiên, những ngày này, dư luận xã hội vẫn tiếp tục bàn nhiều về đề xuất nâng tuổi hưu theo lộ trình kể từ năm 2021. 

Công nhân trực tiếp sản xuất hiện nay rất khó đóng Bảo hiểm xã hội đủ thời gian để hưởng lương hưu tối đa

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là câu chuyện không mới và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, cơ quan soạn thảo đã đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Quỹ lương hưu mất cân đối

Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 - giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Phương án 2 - nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60. Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án 2.

Lý giải nguyên nhân cần tăng tuổi nghỉ hưu, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu giữ nguyên mức, thời gian đóng - hưởng như hiện nay thì Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2023, Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, phải trích từ Quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần Quỹ kết dư được chi trả hết, Nhà nước phải bố trí ngân sách để cấp bù. Do đó, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là phương án được tính đến để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.

Chẳng hạn, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì người này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Do đó, số tiền đóng trên chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (tương đương 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu. Bởi vậy, muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: Nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động.

“Lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, cơ quan soạn thảo đã đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi”.

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra nhiều lý do khác cho việc tăng tuổi nghỉ hưu như tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhiều so với trước nên thời gian hưởng lương hưu khá dài, nâng tuổi hưu để ứng phó xu hướng già hóa dân số, thiếu lao động, hay nhiều người dân trên 60 tuổi vẫn tiếp tục muốn làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập hoặc mong muốn được đóng góp, cống hiến những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được…

Tranh luận chưa hồi kết

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới, song luôn luôn là vấn đề “nóng” mỗi khi được đưa bàn thảo. Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ 55 đã tồn tại gần 60 năm nay. Hơn nữa, nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Như vậy, trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nâng tuổi nghỉ hưu là để chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động.

Đây là cách góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh tuổi thọ của người lao động ngày càng cải thiện. Nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 hoặc 67 để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta cũng nên theo xu hướng này. 

Trái ngược với quan điểm của Bộ LĐTB&XH, có nhiều ý kiến khác không đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu. Người lao động muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi theo quy định hiện nay (nữ 55, nam 60) để hưởng lương hưu hàng tháng. Nếu sau nghỉ hưu, người lao động tiếp tục làm việc thì có 2 khoản thu nhập.

Đề cập về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chị Nguyễn Thị Thảo (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với người lao động trực tiếp sản xuất như chúng tôi, làm việc và đóng BHXH liên tục đến 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam để được hưởng lương hưu tối đa đã là rất khó. Thực tế, những công nhân ngành dệt may, da giày, chỉ làm việc đến 45 tuổi mắt đã mờ, chân tay run, không thể làm công việc máy chính mà phải chuyển sang làm thợ phụ để đợi tuổi nghỉ hưu. Chưa kể, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang siết chặt tiêu chí tuyển dụng, chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi và đào thải những lao động lớn tuổi. Đồng thời, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời của máy móc, robot thay thế con người làm việc. Thử hỏi, liệu có cơ hội cho người lao động làm việc đến 60 tuổi?”.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng tuổi nghỉ hưu không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay vì thực tế họ không thể làm việc đến khi nam 60, nữ 55 để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 54,17 nhưng có những ngành nghề độc hại nguy hiểm chỉ đạt 43 tuổi. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiến hành thận trọng. 

Cơ quan soạn thảo cho biết, sau khi lấy ý kiến người dân, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự án Bộ luật Lao động sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV.

Không phù hợp trong các ngành nghề lao động chân tay

“Tăng tuổi nghỉ hưu không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay vì thực tế họ không thể làm việc đến khi nam 60, nữ 55 để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 54,17 nhưng có những ngành nghề độc hại nguy hiểm chỉ đạt 43 tuổi. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiến hành thận trọng”.

Ông Mai Đức Chính (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Rất khó đối với công nhân ngành dệt may, da giày

“Tôi không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với người lao động trực tiếp sản xuất như chúng tôi, làm việc và đóng BHXH liên tục đến 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam để được hưởng lương hưu tối đa đã là rất khó. Thực tế, những công nhân ngành dệt may, da giày, chỉ làm việc đến 45 tuổi mắt đã mờ, chân tay run, không thể làm công việc máy chính mà phải chuyển sang làm thợ phụ để đợi tuổi nghỉ hưu rồi. Chưa kể, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang siết chặt tiêu chí tuyển dụng, chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi và đào thải những lao động lớn tuổi. Đồng thời, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời của máy móc, robot thay thế con người làm việc. Thử hỏi, liệu có cơ hội cho người lao động làm việc đến 60 tuổi?”. 

Chị Nguyễn Thị Thảo (Huyện Đông Anh, TP Hà Nội)