Tranh cãi vì chiếc phong bì cảm ơn trong ngành y tế

ANTĐ - “Nếu một bác sĩ Slovakia muốn cung cấp dịch vụ điều trị với chất lượng cao, họ cần mức thu nhập lớn hơn nhiều lần lương chính thức” - Peter Liptak, một bác sĩ đa khoa khá nổi tiếng ở Slovakia nói. Và những khoản “tiền cảm ơn” bác sĩ Liptak nhận từ bệnh nhân, ông gọi đó là “một phần của chi phí hoạt động”.

Chuyện thường ở… bệnh viện

Tiến sĩ Viliam Fischer là một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất tại Slovakia. Là chuyên gia về tim mạch, ông thực hiện ca ghép tim đầu tiên tại Slovakia vào năm 1998 và từng tranh cử Tổng thống. Nhưng trong tháng 2 vừa qua, gia đình một bệnh nhân (người bệnh nhân này sau đó đã chết) kiện bác sĩ Fischer đã nhận đút lót 3.000 USD tiền mặt cùng khá nhiều thịt gia cầm) để đổi lại lịch mổ cho người bệnh nhân đó.

Vụ kiện là một ví dụ tiêu biểu về nạn tham nhũng mang tính hệ thống không chỉ trong ngành y tế ở Slovakia mà là vấn nạn ở phần lớn quốc gia Trung Âu và Đông Âu. Ở đây, vì quá tải những cơ sở y tế nên không thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh khẩn cấp của người dân. Muốn được điều trị sớm, bệnh nhân phải bỏ tiền hối lộ bác sĩ. Mỗi nước có những trường hợp riêng. Ở Latvia, Valdis Zatlers - một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, người từng giữ chức Tổng thống Latvia từ năm 2007 tới 2011, đưa ra khái niệm “tiền cảm ơn” - khoản tiền bác sĩ nhận từ bệnh nhân mà không khai báo với cơ quan thuế. Ông đã bị nộp phạt 250 lat (466 USD).

Tranh cãi vì chiếc phong bì cảm ơn trong ngành y tế ảnh 1

Một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu vào năm 2013 cho thấy, 28% người dân Romania và 21% dân Lithuania từng “chi trả các khoản tiền không chính thức cho bác sĩ”. Ở Ba Lan, 15% người dân nói họ từng hối lộ nhân viên y tế trong năm qua, 9/10 trường hợp là dành cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một số bệnh viện ở Ba Lan cho phép bác sĩ thực hiện ca mổ sinh theo yêu cầu với “phí hậu tạ” lên tới 1.000 zloty (266 USD). Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, công chúng Ba Lan xếp y tế vào vị trí thứ hai trong danh sách những lĩnh vực đang chìm trong nạn tham nhũng. Ngay cả ở Estonia, nơi giới truyền thông ca ngợi có hệ thống chăm sóc y tế qua mạng là mô hình về sự minh bạch, ấy vậy mà năm 2011, một giám đốc bệnh viện bị mất việc vì từng yêu cầu một bệnh nhân lớn tuổi chi 4.000 kroon (362 USD) và một chai rượu cognac để có thể tiếp tục được điều trị tại bệnh viện. 

Tiền thay lời cảm ơn!?

Việc đổ lỗi chính lòng tham của nhân viên y tế là nguồn gốc của nạn nhận tiền hối lộ sẽ là quá đơn giản. “Nhiều người dân không nghĩ rằng việc nhận thù lao ngầm là hành vi tham nhũng của nhân viên y tế. Họ có logic riêng trong việc trả tiền cho bác sĩ. Họ sẵn sàng chi tiền vì sức khỏe của mình” - Steven van de Walle, một giáo sư của Đại học Erasmus tại thành phố Rotterdam (Hà Lan), người đã nghiên cứu hiện tượng “phong bì trong ngành y” ở Rumani, bình luận.

Đối với bệnh nhân, hối lộ là “giải pháp tự cứu thân” để có được sự chăm sóc mà họ cần, Tetiana Stepurko - một chuyên gia thuộc Viện Kyiv-Mohyla và chuyên nghiên cứu về nạn hối lộ trong ngành y tế ở Ukraine, nói. Ranh giới giữa đưa hối lộ và cách thể hiện lòng biết ơn bác sĩ rất mập mờ. Ngay cả luật cũng không thể phân định ranh giới rõ ràng giữa hai hành vi ấy. Một số bác sĩ khẳng định nhận “quà cảm ơn” của bệnh nhân không phải là hành vi tham nhũng.

Phần lớn bác sĩ ở Trung Âu và Đông Âu biện luận rằng, mức lương thấp trong hệ thống y tế công khiến họ buộc phải tăng thu nhập bằng những khoản thù lao ngầm. Có trường hợp, bệnh nhân cố tình đi chiếc xe tồi tàn, khoác trên mình bộ quần áo cũ rích đến bệnh viện với hy vọng khi nhìn thấy hoàn cảnh thương tâm ấy mà bác sĩ động lòng thương cảm, sẽ giảm “phí cảm ơn”.

Tại Romania, bác sĩ trong bệnh viện công thường nhận mức lương 200 euro (220 USD) mỗi tháng, trong khi những bác sĩ giỏi hưởng mức lương trung bình 500 euro (550 USD) mỗi tháng. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi biết 7.000 bác sĩ Rumani - chiếm 30% tổng số bác sĩ nước này - sang nước ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới năm 2013, theo số liệu của Hiệp hội Bác sĩ Rumani. Hơn 2.000 người trong số họ đang làm việc trong các cơ sở y tế tại Anh.

Trong trường hợp bác sĩ Fischer, ông rơi vào tình thế rắc rối do không thể cứu tính mạng bệnh nhân. Sau khi trở về, ông chỉ trả lại cho gia đình bệnh nhân xấu số ấy 800 USD (và không trả lại một con gia cầm nào). Sau vụ tai tiếng của bác sĩ Fischer, Peter Liptak - một bác sĩ đa khoa khá nổi tiếng ở Slovakia, bắt đầu công khai với giới truyền thông về những lần ông “nhận quà” của bệnh nhân.

Bác sĩ Liptak (hiện đang điều hành một phòng khám tư nhân) nói, ông sẽ nhận được 2 euro của mỗi bệnh nhân theo quy định của Chính phủ Slovakia, thù lao của bác sĩ phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đăng ký, cho dù họ có đang được điều trị hay không. Liptak cho biết, để tăng thu nhập, ông ấy yêu cầu mỗi bệnh nhân trả thêm 5 - 10 euro. “Nếu một bác sĩ Slovakia muốn cung cấp dịch vụ điều trị với chất lượng cao, họ cần thu nhập lớn hơn nhiều lần lương chính thức” - bác sĩ Liptak nói. Và những khoản “tiền cảm ơn” ông nhận từ bệnh nhân, ông gọi đó là “một phần của chi phí hoạt động”.

Chưa chắc cử tri ở Trung Âu và Đông Âu sẵn sàng làm những cải cách để thay đổi nguyên ngân gốc rễ của nạn tham nhũng và tình trạng nhận “tiền biết ơn” trong hệ thống y tế. Đối với thời điểm này, Chính phủ Slovakia dường như đang bắt đầu giải quyết thực trạng. Sau khi bác sĩ Liptak nói về hành vi nhận “phong bì” trên đài truyền hình, các công tố viên công bố họ sẽ điều tra ông vì hành vi nhận hối lộ.