Tràn lan dịch vụ nhận làm bằng Đại học, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe giá rẻ

ANTD.VN -Gửi tin nhắn rác, đăng tin công khai trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, một số đối tượng rao bán các loại giấy tờ có giá trị (bằng đại học, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe…) ngày càng thể hiện sự ngang nhiên, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.

Giả từ bằng cấp, chứng chỉ đến giấy khám sức khỏe

Liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Gần đây nhất, giữa tháng 8 vừa qua, CAH Đông Anh, Hà Nội đã bắt giữ Vũ Văn Hòa (43 tuổi, thường trú ở thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - một đối tượng chuyên làm giấy tờ ô tô giả. Thủ đoạn của Hòa là làm giả đăng ký xe, giấy kiểm định, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự; bảo hiểm tự nguyện..của xe ô tô để cầm cố, thế chấp vay tiền tại các cửa hàng cầm đồ, cho vay tài chính.

 Trước đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ra Quyết định số 78/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.T.B.N (sinh năm 1979), Giám đốc Công ty TNHH Tam Sinh Yofoto Việt Nam (Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nguyên nhân là do bà N đã sử dụng Giấy khám sức khỏe giả, vi phạm quy định tại khoản 4, điều 10, Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.

Những tin nhắn quảng cáo dịch vụ nhận làm bằng ĐH, chứng chỉ ngày càng nhiều

Cũng liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, giữa tháng 6-2018, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra. Qua công tác nắm bắt tình hình, CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện đường dây bán các loại giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe giả của nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Việc giao dịch diễn ra trên mạng xã hộị. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, do thấy nhiều người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe và giấy chứng nhận sức khỏe nên đã tìm mua các loại giấy tờ này trên mạng xã hội rồi bán lại kiếm lời.

Còn taị TP.HCM, mới đây, Phòng CSHS CATP.HCM đã triệt phá đường dây làm giả các loại bằng cấp do Lương Ngọc Định (30 tuổi, tạm trú tại huyện Hóc Môn) cầm đầu. Khám xét nơi làm giấy tờ giả của Định, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng 1.600 con dấu; 56 bằng cấp, chứng chỉ thành phẩm; khoảng 10.000 phôi các loại cùng 5 công cụ đóng dấu thứ tự, 3 máy in, 1 máy ép, 1 máy dập tay, 1 máy photocopy, 1 máy khắc, 2 máy đúc mộc…

Được biết, đường dây này cung cấp bằng cấp giả cho hơn 30 “đại lý” trên khắp cả nước với giá 300.000-500.000 đồng/bằng cấp, chứng chỉ. Qua các “đại lý”, những loại giấy tờ này được bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần (2,5 triệu đồng/chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; 3,5 triệu đồng/chứng chỉ hành nghề; 4 - 4,5 triệu đồng/bằng đại học, cao đẳng).

Mua giấy tờ giả dễ như…mua rau

Thời gian qua, mặc dù các vụ việc làm giả giấy tờ liên tục bị phát hiện, xử lý, song do việc làm này mang lại lợi nhuận cao, lượng khách hàng có nhu cầu lớn nên nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên thực hiện với những lời quảng cáo hấp dẫn: “Nhận làm bằng Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), lái xe ô tô, xe máy và các loại chứng chỉ khác giá thấp nhấp. Hàng đảm bảo khách hàng hài lòng, giao hàng mới thu tiền” hay “bán Giấy khám sức khoẻ - bản A4 giá  50.000 đồng, bản thường A3 (có ảnh không giáp lai) bao gồm các xét nghiệm máu, đường, viêm gan B, nước tiểu, da liễu, khám mắt, tai mũi họng giá 100.000 đồng, bản A3 có ảnh giáp lai 160.000 đồng; Giấy ra viện giấy xác nhận nằm viện giá 100.000 đồng”…

Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng đã gửi tin nhắn rác đến các chủ thuê bao điện thoại, lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo để công khai rao bán giấy khám sức khỏe, bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe giả …với giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Khi khách hàng “cắn câu”, bên nhận dịch vụ sẽ hướng dẫn giao dịch qua tin nhắn Facebook, Zalo hoặc điện thoại. Thông thường, việc giao hàng, nhận tiền thông qua người vận chuyển (“xe ôm” hay shipper).

Trong vai người có nhu cầu “mua” bằng cao đẳng để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chúng tôi liên lạc với số điện thoại rao nhận dịch vụ làm bằng ĐH 09825775…thì được người bên kia đầu dây hướng dẫn “bên mua cần gửi thông tin cá nhân gồm số điện thoại, ngày sinh, tên trường cần mua bằng và ảnh. Mọi giao dịch sẽ qua tài khoản Zalo. Bằng ĐH giá 9 triệu đồng, CĐ giá 8 triệu đồng, trung cấp 7 triệu đồng. Hàng “xịn”, giao hàng mới chuyển tiền”. Còn với Giấy khám sức khỏe, chỉ trong vài giờ đồng hồ, khách sẽ nhận được sản phẩm với đầy đủ dấu đỏ, chữ ký của bác sỹ khám với giá chưa đầy 200.000 đồng. Phần ghi tên, tuổi và 1 số thông tin cá nhân của khách hàng được bỏ trống để khách tự điền.

Liên quan đến hành vi trên, Thượng tá Ngô Minh An – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – CATP Hà Nội cho biết, những giấy tờ  như Bằng ĐH, CĐ, Giấy phép lái xe, Giấy khám sức khỏe…được rao bán trên mạng hầu hết là giấy tờ giả (về nội dung hoặc hình thức). Trong quá trình phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi làm bằng, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe giả, điều quan trọng nhất là sự thiếu hợp tác của các khách hàng bỏ tiền mua dịch vụ này do tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Bên cạnh đó, các giao dịch thường diễn ra trên mạng xã hội, việc giao nhận hàng chủ yếu thông qua trung gian nên việc xử lý tận gốc đối tượng thực hiện hành vi làm giả giấy tờ là điều không đơn giản.

“Khi bị phát hiện, không chỉ đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu mà ngay cả người sử dụng  những bằng cấp, giấy tờ giả cũng bị xử lý nghiêm theo quy định. Do vậy, để tránh “tiền mất, tật mạng, mỗi cá nhân không nên bỏ tiền mua các loại giấy tờ, bằng cấp được rao bán tràn lan trên mạng kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý. Đồng thời, khi phát hiện hành vi này, mỗi người dân cần nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an để điều tra, làm rõ” – Thượng tá Ngô Minh An khuyến cáo.

Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Thu lợi bất chính từ 10- dưới 50 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-5 năm. Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.