Trần gian khổ một kiếp người

ANTĐ - Chiếc áo sùm sụp trên tấm lưng còng già nua, bà Lê Thị Xúy ngước đôi mắt đục mờ lên nhìn chúng tôi. Nằm cạnh bà là người cháu nội năm nay gần 40 tuổi, nguyên là một chiến sĩ An ninh của CATP Hà Nội đang ở cái tuổi phơi phới tràn căng sức trẻ thì bất ngờ bị cú đánh nghiệt ngã của số phận, khiến anh giờ như một đứa trẻ lên ba, ngơ ngác đến đau đớn.

Những giọt nước mắt của bà Xúy dường như đã cạn sau những thăng trầm, đớn đau của cuộc đời

Tai họa tiếp nối tai ương

Tận cùng của lối đi nhỏ là căn nhà cấp bốn xập xệ, bên trong tối thui. Sau nhiều câu chào của chúng tôi, bà Lê Thị Xúy đang ngồi nhặt mớ rau tập tàng lượm được từ bờ rào, đụm đất trong vườn chuẩn bị cho bữa cơm tối, phát hiện ra có người đến thăm. Ngước mái đầu tóc bạc phơ lên như đáp lại lời chào của khách, bà Xúy dò dẫm từng bước dẫn chúng tôi vào nhà. Tài sản giá trị nhất là chiếc ti vi cũ rích. Chiếc giường nhỏ ở góc nhà, bụi phủ kín. Cháu bà Xúy, anh Trịnh Anh Hiếu, nguyên chiến sĩ An ninh của CATP Hà Nội nằm trên chiếc giường nhỏ còn lại cạnh cửa sổ, khuôn mặt ngơ ngác, đôi mắt vô hồn nhìn xung quanh. Chỉ khi nghe thấy Đại tá Lê Mạnh Tú - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị 2, CATP Hà Nội nói đến bóng đá, lúc này trong cổ họng của anh những tiếng khùng khục mới phát ra một cách vô thức. Bà Xúy ngồi cạnh ra dấu “phiên dịch” cho chúng tôi đó là những tiếng cười mừng rỡ mỗi khi nhắc tới niềm đam mê từ thuở nhỏ của đứa cháu nội. 

Nắn bóp bàn tay, chân và thân thể đã bị xơ cứng, co quắp, bất động của đồng đội, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt của Đại tá Lê Mạnh Tú. Bản thân anh và đơn vị không ai quên cái ngày khủng khiếp cách đây 13 năm. Khi đó Trịnh Anh Hiếu đang là Thượng úy, được cấp trên giao nhiệm vụ lên Bắc Giang. Trên đường đi, anh đã bị tai nạn giao thông, hậu quả bị chấn thương sọ não. Những nỗ lực của các y bác sỹ cũng chỉ giúp anh giữ được mạng sống chứ không thể chặn được cuộc sống thực vật đến với anh ngay sau đó. Từ một thanh niên khỏe mạnh, một chiến sỹ giỏi nghiệp vụ, tận tụy với công việc, phút chốc, Trịnh Anh Hiếu trở thành một “phế nhân”. Sau 3 năm chạy chữa nhưng không có kết quả, năm 2006, Hiếu được bố và đồng đội đưa về nhà ở thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội, với thân hình co quắp, bất động, bại não. 

Mẹ Hiếu đã mất vì bệnh ung thư trước khi đứa con trai vào ngành được một năm. Gắng gượng vượt lên nỗi đau, người cựu chiến binh của chiến trường Trường Sơn năm xưa bán tất cả mọi thứ để có tiền thuốc thang, chạy chữa cho con. Nhưng chỉ một năm sau khi đưa con về nhà chạy chữa, bố của Hiếu đột ngột ra đi. “Ngày ấy đang băm bèo nấu cám lợn ở ngoài sân, bố thằng Hiếu nghe người mách ở Hà Nam có một ông thầy có thuốc hay đã tất tả khăn gói đi ngay. Chẳng ai ngờ khi gần xuống đến nơi, những vết thương từ thời chiến tranh ác liệt cộng với bệnh tim và những tháng ngày đằng đẵng ngược xuôi chăm con đã khiến con tôi kiệt sức, đột tử giữa đường” - bà Xúy hồi tưởng, nuốt nước mắt vào trong.

Tôi chỉ lo “đi” trước nó

Nhìn người cháu nội nằm co quắp trên giường, ngơ ngẩn, miệng cười không ra tiếng như đứa trẻ, bà Xúy nhìn ra khoảng không ngoài cửa. Năm nay hơn 90 tuổi, đáng lẽ, bà phải được hưởng an nhàn, con cháu quây quần chăm sóc; thì nay, bà lại phải trở thành trụ cột, một mình chống đỡ lo cho cả gia đình. Người chồng mất khi bà mới 20 tuổi, bà Xúy ở vậy, rau cháo qua ngày nuôi dạy hai con. Đến khi người con trai lập gia đình, các cháu học hành những tưởng cuộc đời bà sẽ bớt đi đau đớn, khổ hạnh thì tai ương lại liên tiếp ập xuống. 
Hai bà cháu giờ chẳng còn gì ngoài tấm lòng đùm bọc của hàng xóm, những người hảo tâm xa gần và đồng đội cũ của Hiếu. Gạo thì bà con láng giềng mỗi người một nắm, gom lại vào chum để hàng ngày hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Thấy bà già cả, khốn khổ, mấy lần xách rá rau, bơ gạo lập cập lần từng bước ra bờ ao sâu chênh vênh vo rửa, chính quyền và dân làng góp tiền, công, xây cho hai bà cháu một bể nước nhỏ. Cái đun là lá chuối khô, cành củi mục bà Xúy nhặt nhạnh trong vườn, hay vài bó rơm được những người hàng xóm tốt bụng mang cho sau mùa gặt. 

Hỏi chuyện ăn uống của hai bà cháu, bà Xúy sau một hồi lắng nghe chăm chú theo cách của người già bị lãng tai, mới ngẩng đầu, giơ bàn tay lên nói: “Mỗi bữa bà nấu hai nắm gạo”. Dù đã gần trăm tuổi nhưng chỉ khi nào đứa cháu nội bị nằm bất động, ngơ ngác như đứa trẻ ăn cơm xong, lúc đó bà mới vón vét những hạt cơm cuối cùng trong nồi, hay đôi khi là miếng cháy nhỏ đã khê nồng để lót dạ. Tằn tiện chi tiêu, có bao nhiêu tiền góp nhặt được bà gom góp nhờ hàng xóm láng giềng mua giúp cho Hiếu một chiếc giường i-nox thay cho chiếc giường tre đã ọp ẹp. Dưới gầm giường, bà nhờ ông chủ xưởng gò hàn làm cho một máng tôn để lỡ khi bà mang mớ rau, mớ cỏ trong vườn đem ra chợ làng bán không có nhà, khi về sẽ thuận tiện hơn trong việc vệ sinh cho cháu mình.

Chẳng biết có nghe thấy, hiểu được những lời người bà đang nói với chúng tôi hay không mà những tiếng cười khùng khục từ cổ của Hiếu chợt lặng im. Thay vào đó là ánh mắt ngước nhìn lên cửa sổ, nơi có những khoảng sáng le lói của buổi chiều đầu đông đang dần chuyển màu… Mấy ngày nay tiết trời chuyển lạnh, bà Xúy húng hắng ho. Mắt mờ chân chậm nên đi ra va vào cột, vào nhà vấp phải bậc thềm khiến cho bà tê nhức, tím bầm. Tiễn chúng tôi ra ngõ, bà Xúy nghiêng người vịn tay vào cửa, đôi mắt đục mờ, khẽ khàng: “Tôi sợ một ngày mình ra đi trước cháu thì lúc ấy không biết lấy ai chăm sóc nó”. 

Dọc lối đi nhỏ, những thân chuối già khô mốc, tàu lá xác xơ cố giữ lấy buồng chuối nặng khi vỏ chúng đã ngả sắc vàng…

Với tấm lòng tương thân tương ái, nghĩa tình đồng đội, chiều 19-11, Phòng Bảo vệ chính trị 2 CATP Hà Nội và đại diện Báo ANTĐ đã đến thăm, tặng quà cho đồng chí Trịnh Anh Hiếu. Đây là hoạt động tình nghĩa thường xuyên của Phòng Bảo vệ chính trị 2. Cùng đi với đoàn, đại diện Báo ANTĐ đã thay mặt Ban biên tập tặng đồng chí Hiếu và gia đình số tiền 1 triệu đồng. 

Mong lắm những tấm lòng đến với hai bà cháu đồng chí Hiếu! Mọi liên hệ xin gửi về Báo ANTĐ - 82 Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm - Hà Nội.