Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói về đào tạo nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0

ANTD.VN - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng- Tổng giám đốc Viettel đã có cuộc trò chuyện hơn 20 phút, chia sẻ những suy nghĩ về đào tạo nhân lực trong cách mạng 4.0 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống

Sáng 26-2, hội nghị khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" đã diễn ra tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ hơn 20 phút về những cách nghĩ mới, cách làm mới, cách đào tạo, tuyển dụng nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo quan niệm của Viettel, cách mạng là cái mới thay thế cái cũ, doanh nghiệp mới sẽ thay thế doanh nghiệp cũ, những trường đại học mới sẽ thay thế trường đại học cũ. 

"Trong cuộc cách mạng này, nhiều thì chỉ có 5 quốc gia bứt phá vươn lên phát triển. Mỗi cuộc cách mạng cũng chỉ tạo ra vài chục trường đại học bứt phá trở thành đại học hàng đầu. Số ít quốc gia và đại học đó là những người dám đi đầu"- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Tổng giám đốc Viettel, từ ngữ tổng quát để mô tả về CMCN 4.0 là "làm ngược lại những gì chúng ta đang làm, nghĩ ngược lại những gì chúng ta đang nghĩ, mang lại đột phá cho người đi sau. Người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước vì người đi sau mà đi theo người đi trước thì mãi mãi ta là người đi sau.

Trong CMCN 4.0, sự sáng tạo là mang tính phá hủy. Các quốc gia có quá khứ hoành tráng thì thường không có đủ can đảm để phá hủy, ai không có gì mới dám phá hủy"- Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Kể lại câu chuyện "khởi nghiệp" của Viettel, Tổng giám đốc doanh nghiệp viễn thông hàng đầu trong nước cho biết, năm 2003, khi Viettel còn bé nhỏ, vốn ít tham gia vào lĩnh vực viễn thông, trong nước đã có một số tập đoàn viễn thông lớn. Chẳng hạn như VNPT khi ấy đã có cơ sở hạ tầng hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Những cán bộ của Viettel đã sang Malaysia để học hỏi với đầy lo lắng vì không có gì trong tay. Một vị giáo sư người nước ngoài đã nói rằng: "Anh có quá nhiều thứ để thắng vì anh không có gì trong tay. Vì từ số 0 mới có sự sáng tạo, ít khi số 1 có sự sáng tạo".

Viettel bắt đầu như vậy và tiếp tục thực hiện điều đó đến hôm nay.

Tổng giám đốc Viettel cho rằng, quan niệm về học và làm trong CMCN 4.0 sẽ có nhiều thay đổi. Thay vì học để rồi làm trước đây, giờ sẽ chuyển sang làm trước, trải nghiệm trước rồi học sau; Thay vì đào tạo chuyên ngành, giờ cần những người được đào tạo đa ngành; Thay vì chỉ biết ngôn ngữ giữa người với người, tới đây sẽ cần ngôn ngữ giữa người và máy,; Trước đây để làm cái đã học, thì giờ sẽ học để làm cái chưa ai từng làm... 

Và để có những nhân lực đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, lãnh đạo Viettel cho rằng cần giảng dạy theo mô hình huấn luyện, trong đó cầu thủ luôn giỏi hơn huấn luyện viên và chúng ta có thể tìm người giảng dạy giỏi trong số 7 tỷ người trên toàn thế giới, thay vì chỉ trong số người dân Việt Nam. 

Quan trọng hơn cả, để nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc của tương lai, nhà trường cần có hạ tầng giống như một nhà máy, để sinh viên được sáng tạo trong nhà máy ấy. Hạ tầng của nhà trường giờ không phải chỉ là sách và thư viện, vì sách đã có trên mạng internet, mà cần có hạ tầng để sinh viên thực tập, hành nghề.

Lãnh đạo Viettel cho rằng: "Trong cuộc CMCN 4.0, người giỏi nhất trước đây nay có thể thành người dốt nhất vì họ có xu thế ít học hỏi người xung quanh mình, trong khi người dốt chịu khó học hỏi. Đã đã đi sau thì phải vượt trội. Chúng ta phải luôn đặt mục tiêu cao hơn để thúc đẩy sự phát triển"- Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí mới

"Tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các Nhà máy thông minh, Nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của internet vạn vật. Trong các Nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.

Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao"- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

CMCN 4.0 làm mất việc làm chỉ là tạm thời

"Các cuộc cách mạng từ trước tới nay đều tạo ra nhiều việc làm hơn. Lập luận khoa học kỹ thuật phát triển làm mất công ăn việc làm chỉ là tạm thời, mà CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều loại hình việc làm mới.

Chúng ta phải đủ mạnh dạn để xóa bỏ tư duy của cũ, dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới, có khi trái ngược với những gì ta đang quan niệm; Đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng"- ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội.