Tôm hùm đất Trung Quốc: Bộ Nông nghiệp cảnh báo, dân buôn vẫn bán tràn lan

ANTD.VN - Bộ NN&PTNT đã cảnh báo loại tôm hùm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc là động vật ngoại lai, xâm hại nguy hiểm nhưng ngay tại Hà Nội, tôm hùm đất này vẫn được bày bán công khai với giá phải chăng.

Từ các diễn đàn trên mạng xã hội như Facebook tới một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đều có bán loại “đặc sản” đến từ bên kia biên giới này với giá khá rẻ.

Theo đó, trên đường Cương Kiên, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tôm hùm đất Trung Quốc được bày bán thường xuyên, giá cũng dao động theo ngày. Chị Đặng Thanh Huyền, ở phố Đại Linh, Trung Văn cho biết: “Tôi thấy loại tôm hùm này được bày bán ở đây từ khá lâu rồi.

Giá thì không có định, có thời điểm rẻ nhất chỉ 190.000 đồng/kg, còn thời điểm đắt đỏ thì ở mức 250.000 đồng/kg. Tôi cũng khá tò mò và có lần ghé vào hỏi han, định mua về ăn thử nhưng rồi lại thôi vì không biết rõ lai lịch như thế nào”.

Tôm hùm đất Trung Quốc đang được rao bán tràn lan với giá rẻ

Không chỉ được bày bán trên một số tuyến phố Hà Nội, tôm hùm đất còn được người bán hàng trên facebook rao bán rất nhiều với thông tin đại loại như: hôm nay hàng từ Trung Quốc về nhiều, giá bán lẻ 250.000 đồng/kg, giá bán buôn từ 10kg trở lên là 215.000 đồng/kg…

Một facebooker có tên Hà Vũ chia sẻ, cô lấy hàng trực tiếp từ một thương lái Trung Quốc chứ không qua trung gian nên giá khá “mềm”. Theo đó, Vũ Hà cho biết, có thể cung cấp với số lượng lớn, không hạn chế. Nhưng, số lượng từ 50kg trở lên thì cần báo trước, đồng thời phải đặt cọc vì hàng hải sản không bảo quản được.

Nhiều người bán cho biết, có thể bán không hạn chế về số lượng nếu khách có nhu cầu

Tôm hùm đất có kích thước to hơn ngón tay, sau khi chế biến có màu đỏ rất bắt mắt, ăn có vị ngọt, dai giống tôm sú. Loại tôm này có hai càng có màu đỏ, thân màu đất, được nhập từ Trung Quốc, là hàng tươi sống.

Theo chuyên gia trong ngành thì đây là mối nguy lớn, bởi chúng có thể phá hoại mùa màng. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về để nghiên cứu cho rằng, Viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này từ nhiều năm nay.

Với những hộ nuôi “chui” thì Tổng cục thủy sản cũng đã chỉ đạo thu hồi và tiêu hủy vì chúng thuộc nhóm sinh vật ngoại lai, không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng. Loài này hay đào hang làm hỏng đê điều.

Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish.  Loại này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish. Đây là loại ăn tạp, chúng ăn cả động vật sống lẫn động vật chết và thực vật.

Theo tìm hiểu, loại tôm này được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc...

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường kiểm soát tôm hùm đất Trung Quốc đang ồ ạt tràn sang Việt Nam.

Bộ NN&PTTN cho hay, đây là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.

Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm.

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu cần tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên.