Tôi có nên chờ đợi người yêu ra tù?

ANTĐ - Tôi đang sống những ngày cực kì tăm tối, tưởng như chẳng còn tia hi vọng nào theo cái nhìn của tất cả mọi người. 
Tôi có nên chờ đợi người yêu ra tù? ảnh 1

Minh họa: Internet

Vâng! Anh đang đứng kia, trước vành móng ngựa tại phiên toà. Anh bị giam gần một năm, nay mới đưa ra xét xử. Tội của anh là giết người cậu ruột. Hàng trăm con mắt hướng về phía anh, ánh lên sự sợ hãi, khinh bỉ. Cũng có vài ánh mắt tỏ sự ngạc nhiên: Một chàng trai mới 26 - 27 tuổi, trông thư sinh, hiền lành như thế kia, sao lại có thể giết người, mà lại là giết người em ruột của mẹ mình?

Anh tên Định, đã học xong đại học nhưng chưa kiếm được việc làm đúng với nghề nghiệp đào tạo. Nhà anh hiện chỉ có hai mẹ con vì bố mất sớm. Mẹ anh lại đang bị bệnh, hầu như không làm được gì ngoài những việc vặt như trông nhà, lau dọn, cơm nước… Một mình anh xoay sở kiếm sống nuôi thân và nuôi mẹ. Bỗng mẹ anh phải vào cấp cứu bệnh viện. Người ta nói phải có khoảng khoảng 100 triệu mới có thể chữa khỏi.

Tiền đó chi cho việc giải phẫu, thuốc thang và mọi phí tổn khác vì mẹ anh không có chế độ bảo hiểm y tế, bà sẽ phải nằm viện vài ngày sau khi mổ. Đối với Định, 1 triệu còn không thể có sẵn huống hồ số tiền lớn như vậy, biết kiếm đâu ra? Nhưng anh vô cùng thương mẹ, không thể đành lòng để bà nằm chờ chết. Bằng mọi giá phải chạy ra tiền. Nước mắt anh dàn dụa, đôn đáo chạy ngược xuôi lo tiền, nhưng người tốt thì cũng quá nghèo, còn người sẵn tiền thì bịa lý do từ chối, chẳng dại gì mà cho kẻ khó vay.

Anh có một người cậu ruột làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, giàu có, vừa xây một tòa nhà 5 tầng bề thế đáng giá hàng chục tỉ. Trước đây anh chẳng ưa gì ông ta vì tuy có bà chị ruột nghèo khó, ốm yếu nhưng chẳng bao giờ chủ động giúp đỡ gì. Cuộc sống của ông ta khép kín, gần như quanh năm ngày tháng, họ hàng chẳng bao giờ thấy mặt ngoài dịp lễ, tết. Ông ta chỉ quan tâm đến việc làm ăn, thăng quan tiến chức mà không hề biết đến bất cứ một người họ hàng nào. Đến mấy đứa con dứt ruột đẻ ra cũng phó mặc cho người vợ quản lí, để đến nỗi đứa con trai mới 15 tuổi đã nghiện ma túy, phải đưa vào trại cai nghiện.

Bình thường, Định không nghĩ đến “ông cậu đô la” vô tâm ấy làm gì. Càng không bao giờ lui tới cầu cạnh. Nhưng nay vì quá cấp bách do tính mạng người mẹ đang bị đe doạ, cực chẳng đã, anh đã phải đến vay tiền ông ta. Nhưng người cậu đã từ chối thẳng thừng, nói là có bao nhiêu tiền thì đã dồn hết vào làm nhà và lo chuyện cai nghiện cho thằng con trai, trong nhà chỉ còn một vài triệu tiêu hàng ngày.

Ông ta nói sẽ cho hẳn Định 1 triệu về lo cho mẹ chứ không thể cho vay. Nhưng Định biết ông ta tìm cách từ chối. Vừa thương mẹ, vừa thấy người cậu quá tệ, anh đã nói thẳng vào mặt ông ta:

- Cháu không ngờ cậu lại đối xử với mẹ cháu như thế. Trong nhà, mẹ cháu là người quý và chăm lo cho cậu nhất lúc còn nhỏ. Nay cậu giàu có, kể ra biếu không mẹ cháu vài chục triệu mới phải. Đằng này cháu chỉ vay, vì sợ cháu không thể trả mà cậu nỡ để mẹ cháu chết hay sao? Cháu thấy người dưng nước lã còn có thể đối xử tốt với nhau, đây lại là chị em ruột. Cháu thấy đau lòng và xấu hổ với thiên hạ...

- Mày đến dạy tao đấy à? Sự thật không sẵn tiền mặt thì cướp của ai để có bây giờ? Mày là phận cháu. Đừng hỗn!

- Cháu chỉ nói sự thật. Cậu nên cắn rứt lương tâm mà giúp mẹ cháu.

Người cậu ném 1 triệu vào mặt Định và nói:

- Thôi, tao không nhiều lời. Mày cầm về cho khuất mắt tao.

Định không kiềm chế được cơn phẫn uất:

- Tôi không thèm lấy không. Ông là đồ phản phúc, ăn cháo đá bát, bất nhân với cả chị ruột !

Bỗng ông ta tiến gần đến anh, giáng cho anh cái tát nảy đom đóm và chảy máu mũi. Quá đột ngột và phẫn uất, trong lúc cơn “sốc” đến cực điểm, không làm chủ được mình, Định đã cầm chai rượu trên bàn nện mạnh vào đầu người cậu. Chai rượu vỡ tan, đầu ông ta đổ máu. Anh sợ quá bỏ thẳng về nhà. Người cậu sau đó được chở đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường.

Diễn biến toàn bộ vụ án là như vậy. Trước toà, anh kể lại sự việc rành rọt, trung thực, không quanh co, giấu giếm. 

Đối chiếu với mọi vật chứng, nhân chứng khớp với lời khai rất minh bạch của Định, cùng lời bào chữa đầy thuyết phục của luật sư, lại xét hoàn cảnh mẹ già đang lâm bệnh nặng, nếu không có đứa con trai trông nom sẽ sớm qua đời; cộng với nhân thân tốt của Định, toà chỉ tuyên án 5 năm tù giam. Bản án được tất cả mọi người đồng tình, cho là hợp lý, vì Định hành động chỉ vì quá thương, lo cho mẹ, vì quá phẫn uất trước sự táng tận, bất lương của ông cậu giàu có, và hành động bột phát mang tính bản năng trong cơn quá “sốc” không làm chủ được mình.

Rời khỏi toà, ngoài mẹ con anh, có lẽ tôi là người sung sướng nhất. Vì nghe nói giết người là phải tử hình, chung thân hoặc 10 năm tù trở lên, vậy mà anh chỉ bị 5 năm. Nếu cải tạo tốt, có thể chỉ còn 3 năm, mà với phẩm chất của anh, nặng lòng thương mẹ, tôi chắc anh sẽ làm được điều đó. Ra khỏi toà, bước lên xe của trại giam, anh ngoái nhìn tôi. Tôi vẫy anh và cố gửi lời nhắn tới anh bằng ánh mắt: “Hãy cố cải tạo tốt, em sẽ chung thuỷ chờ anh ra tù. Ta sẽ chung sống với nhau. Hãy tin em mà gắng cải tạo”. 

Nhưng tôi bị tất cả mọi người, từ bố mẹ, anh em, họ hàng đến bạn bè, người quen biết khuyên là nên từ bỏ Định. Họ cho là tôi chờ 5 năm nữa sẽ lỡ thì con gái, vả lại sẽ mang tiếng là vợ kẻ ở tù ra. Tôi là cô gái có chút nhan sắc nên được nhiều người “để ý”. Điều đó càng khiến cha mẹ tôi hối thúc việc đi lấy chồng, dứt khoát phải từ bỏ “thằng tù táo tợn”. Nhưng tôi thì không thể. Chỉ tôi mới hiểu được những phẩm chất tốt đẹp của anh. Không những không cảm thấy lo ngại mà tôi còn thương và phục anh hơn. Với tình cảm hiện tại, tôi có thể vượt lên tất cả. Nhưng làm sao có thể thuyết phục được cha mẹ để các cụ thuận tình?