Tôi có nên chấp nhận cho giúp việc làm vợ lẽ của chồng?

ANTĐ - Tôi không thể không biết ơn anh. Cách đây 20 năm, tôi là một con bé 18 tuổi, con nhà nghèo, ở nhà quê theo một bà cô họ lên Hà Nội tìm việc làm. Giữa lúc đang lớ ngớ chốn Thủ đô thì tôi gặp Tiến, khi đó đang đứng đầu một công ty tư nhân. Sau một thời gian quan hệ, tôi đã ngã vào vòng tay anh lúc nào mà không biết. 
Tôi có nên chấp nhận cho giúp việc làm vợ lẽ của chồng? ảnh 1

Ảnh minh họa

Tiến thuê nhà và chu cấp tiền hàng tháng để tôi sống. Anh còn sắm sửa cho tôi những vật dụng cần thiết, toàn loại xịn như xe máy, laptop, điện thoại di động… Tôi nghiễm nhiên thành vợ bé của anh, không phải làm gì, suốt ngày chỉ nghỉ ngơi, lướt net và nghe nhạc. Anh nói thẳng với tôi là hiện tại chưa thể ly hôn vợ vì chị ấy đang ốm yếu, tháng nào cũng phải vào viện vài lần.

Bỏ lúc này thì không nỡ, dư luận sẽ dị nghị. Nhưng anh cho tôi biết chị ta đã bị ung thư, cố gắng chữa chạy cũng chỉ kéo dài sự sống nhiều lắm được vài tháng. Đến khi vợ qua đời, đợi xong giỗ đầu, anh sẽ chính thức sống hợp pháp với tôi. Phụ thuộc hoàn toàn vào Tiến, tôi không thể làm gì hơn là chờ đợi.

Là người giỏi kinh doanh, làm cho mọi nhân viên trong công ty có thu nhập cao nên họ tỏ ra thông cảm với ông sếp của mình đang đèo bòng, nhất là lại có bà vợ đang ốm đau. Dẫu đã rất giữ gìn để bảo đảm “kế hoạch” nhưng không hiểu sao tôi vẫn dính bầu. Tiến động viên tôi giữ thai. Tôi không có cảm giác lo ngại khi không có chồng lại chửa, mà ngược lại còn thấy vui vì sắp được làm mẹ. Sau hơn 9 tháng, anh vô cùng hạnh phúc vì tôi sinh con trai, nặng gần 4 kg, rất kháu, giống anh như đúc. 

Khi con tôi đang lẫm chẫm biết đi thì vợ Tiến qua đời. Đúng như đã hứa, hết giỗ đầu chị, anh đăng ký kết hôn với tôi. Tiến bán ngôi nhà cũ, mua nhà mới ở một quận khác ngay sau khi vợ mất. Chính thức làm vợ Tiến, tôi thấy hạnh phúc, nhưng vấp phải sự kỳ thị của đứa con gái riêng của anh. Nó luôn nhìn tôi bằng đôi mắt không thân thiện. Tôi phải phấn đấu rất nhiều mới dần dần cải thiện được tình hình.

Cũng may là Tiến không chỉ tập trung cho đứa con chung mà luôn giành nhiều ưu tiên cho nó nên tình hình cũng dần dễ chịu hơn. Cuộc sống của chúng tôi tưởng êm ả trong sự sung túc về vật chất thì một rủi ro ập đến. Sau lần vô ý ngã cầu thang, đập đầu vào tường, tôi bị tai biến mạch máu não. Tiến dốc sức chữa chạy cho tôi qua khỏi cơn nguy kịch nhưng để lại di chứng.

Tôi bị liệt nửa người, phải di chuyển bằng xe lăn. Từ một người có nhan sắc với chỉ số cơ thể khá “chuẩn”, nay tôi gầy sọp, tiều tụy, chân tay tong teo dần, làn da xanh xạm, tóc bạc và rụng nhiều. Tôi không dám soi gương vì không còn nhận ra mình. Nhưng tôi thấy Tiến tỏ ra rất thương tôi mà không bỏ rơi. 

Tiến có bà bác họ ở quê đã tìm hộ một người lên giúp việc cho gia đình tôi. Cô tên Thìn, 25 tuổi, góa chồng, chưa có con. Bà bác thương Thìn mà có ý đưa cô lên Hà Nội để có cơ hội đổi đời. Bà nói với Tiến là Thìn chỉ giúp việc một thời gian rồi tìm việc khác. Nhìn cô gái quê còn nõn nà hơn cả gái thành phố, tôi lại nghĩ đến mình chỉ mấy năm trước cũng như thế này mà nay đã hóa một bà già ốm yếu. 

Thìn nhanh chóng quen công việc và hòa nhập với gia đình chúng tôi. Cô tuy gái quê nhưng khéo léo, đặc biệt là biết ăn nói, làm vừa lòng người khác. Đứa con gái riêng của chồng tôi rất quý cô. Con trai chúng tôi cũng bám cô. Đêm nào nó cũng ngủ với cô mà không thích ngủ với tôi.

Có lẽ nó đã biết tôi đau ốm khó ngủ nên không muốn nhõng nhẽo mẹ. Một điều rất hiếm có ở những người giúp việc là Thìn đã chăm sóc tôi không nề hà, ngần ngại. Có những lần do không làm chủ được thần kinh, tôi đã phóng uế tại chỗ khiến cô phải thay giặt ga, đệm, chăn và quần áo. Nhưng cô vẫn vui vẻ, không một chút ghê sợ.

Công việc kinh doanh của Tiến ngày càng tiến triển nên anh khá bận rộn. Tôi mừng cho chồng nhưng cũng buồn vì có khi cả tuần anh chỉ đảo về nhà một vài lần thăm hỏi qua loa do phải đi đến nhiều tỉnh và thường xuyên vào Gài Gòn để tìm mối làm ăn. Gần như mọi việc anh giao hết cho Thìn, kể cả tài chính. Có những lần anh còn nói Thìn đi họp phụ huynh cho đứa con gái. Tôi cảm nhận rõ là mỗi ngày, anh xa dần tôi thêm.

Cuộc sống của tôi cứ buồn tẻ trôi đi như thế. Dần dần, tôi cảm thấy một cách mơ hồ là đã mất chồng. Và tôi cũng mang máng nhận ra giữa anh và Thìn đã có tình cảm với nhau. Rồi điều tôi cảm nhận đã đến lúc được khẳng định rõ. Cái bụng của Thìn đã to dần. Cô không giấu giếm, cho tôi biết cha của đứa bé trong bụng chính là Tiến và xin tôi tha thứ, đồng thời xin được làm phận em (lẽ).

Sau đó, Tiến cũng xin lỗi và mong tôi thông cảm. Anh dốc toàn bộ khả năng có thể để chữa cho tôi chóng bình phục, mua thuốc ngoại đắt tiền, bắt tôi uống. Tôi có phần khỏe lên, tăng cân, chân tay nhúc nhích được hơn trước. Nhưng vẫn không tự đi lại được mà phải nhờ đến xe lăn và sự tận tình chăm sóc của Thìn.

Dần dần, Thìn trở nên chủ động mọi việc trong nhà. Tôi hoàn toàn vô tích sự. Tôi cảm thấy vị trí của mình và cô đã có sự hoán vị. Chính cô mới là bà chủ thực sự. Còn tôi chỉ là một người tàn phế đang được nuôi báo cô.  Tiến luôn tế nhị trong cư xử. Không bao giờ anh tỏ ra mặn nồng, thân mật với Thìn trước mặt tôi.

Còn với tôi, anh vẫn luôn ân cần, nhẹ nhàng. Nhưng tôi biết đó chỉ là sự gắng gượng. Còn tình cảm vợ chồng thì đã nguội lạnh từ lâu. Nhiều lúc tôi có ý định chủ động ly hôn, giải phóng cho Tiến để anh sống hợp pháp, công khai với Thìn. Nhưng lại nghĩ tới đứa con trai vẫn còn nhỏ, ở với mẹ sẽ không có cha và ngược lại. Tôi cứ đấu tranh giữa hai quyết định đó. Tôi nên hành động như thế nào?

Lê Thị Dần 
(quận Hoàng Mai, Hà Nội) 

Chia sẻ:
Theo chị kể, Tiến luôn tốt với chị và Thìn cũng rất tử tế, luôn chăm sóc chị chu đáo. Cô ta cũng rất khiêm nhường và biết điều ở ngôi vị “em”(lẽ). Chị cũng nói rất thương đứa con trai còn nhỏ, nếu ly hôn sẽ không có cả 2 bố, mẹ ở bên. Vậy thì nên chấp nhận hoàn cảnh hiện tại mà “chung sống hòa bình”. Về mặt luật pháp, Tiến đã vi phạm luật Hôn nhân và Gia đình.

Nhưng ở hoàn cảnh cụ thể của anh ấy, dư luận có thể thông cảm, châm chước. Chị hãy nghĩ: Nếu ly hôn, chị sẽ ra sao? Ai chăm sóc chị khi không thể tự làm vì tình trạng sức khỏe? Trong cuộc sống, có những điều ta không mong muốn nhưng phải chấp nhận vì hoàn cảnh bất khả kháng. Khi ấy, ta hãy tự động viên mình bằng những suy nghĩ tích cực để vượt qua. 
TS Nguyễn Đình San