Tỉnh táo trước những "màn kịch cũ" vờ mang thai, giả ngất để xin tiền

ANTD.VN - Người đàn bà liên tục di chuyển và "diễn kịch" mang thai giả ngất, lấy lòng thương cảm của người xung quanh để xin tiền. Đây là lời nhắc nhở cho mọi người dân cảnh giác trước những hành vi xin tiền dạng này, để trò lừa đảo không còn tiếp diễn.

Dùng bộ dạng mang thai để lấy lòng thương hại và xin tiền

Khoảng 14h ngày 15-2, trên xe buýt số 53N3508, tuyến Bến xe Củ Chi - Công viên 23/9, một phụ nữ bụng to có cử chỉ giống như sắp sinh con khiến nhiều người tưởng sắp sinh thật.

Hành khách trên xe đã quyên góp 4 triệu đồng để đưa người phụ nữ vào bệnh viện. Riêng chủ xe là chị Huỳnh Thị Như Thủy đã hỗ trợ 3 triệu đồng.

"Sau khi đưa sản phụ này vào bệnh viện, nhân viên bệnh viện đã đem xe ra để đưa vào cấp cứu. Khi y tá bệnh viện còn lưỡng lự thì tài xế xe buýt đã đưa số điện thoại và nói nếu có chuyện gì xảy ra thì gọi cho tôi để tôi lo phần còn lại. Sau đó, tài xế lên xe đi tiếp, khi tới công viên 23-9, tài xế liên lạc với y tá thì được biết đó là cái bầu giả và người phụ nữ đó đã chạy trốn khỏi bệnh viện"- chị Thủy kể lại.

Giả bầu để người dân góp tiền giúp đỡ

Trước đó, nhiều màn kịch lừa đảo xin tiền trên đường phố cũng đã khiến không ít người ngán ngẩm. Có đối tượng giả làm người tu hành để lừa đảo xin tiền.

Clip: Giả người tu hành lừa đảo xin tiền phát trên kênh truyền hình VTV9

Vờ ngất để mọi người rủ lòng thương

Khoảng 19 giờ 30 ngày 21-5-2018, trên cầu Bình Lữ (Phường 9- TP Vĩnh Long) có một phụ nữ khoảng 18- 20 tuổi, hình dáng gầy gò đi đến giữa cầu thì ngất xỉu và nằm bất động. Bên cạnh là đôi dép cũ và chiếc giỏ màu hồng phấn, bên trong giỏ có chiếc điện thoại “cùi bắp” hết pin. Sự việc gây nhiều sự chú ý của người đi đường.

Được người đi đường đỡ dậy, chỉ trong ít phút phụ nữ nọ đã tỉnh. Người đi đường xúm lại hỏi han. Chị ta cho biết do đói quá không có tiền ăn nên xỉu. Những người vây quanh nghe vậy liền rút ví lấy tiền cho chị.

Chị nhận được khoảng 500.000 đồng. Thấy chị đã tỉnh táo trở lại nên người đi đường lần lượt lên xe đi. Trong chốc lát, chị ta cũng đứng dậy rồi đi về hướng ngã ba Cần Thơ với điệu bộ “lấm la lấm lét” quan sát xung quanh, chờ thời cơ thích hợp diễn tiếp vở kịch.

Và quả đúng như vậy, đi bộ thêm một quãng đường, đến đường Võ Văn Kiệt (Phường 9), chị ta bắt đầu trình diễn lại màn kịch: để giỏ và dép trên đường với tư thế nằm y lúc nãy.

Người dân xung quanh động lòng cho chị tiền mà không hề biết mình đã bị lôi vào làm “diễn viên” cho một vở kịch. Hai “màn diễn” lừa đảo của chị nọ khá hiệu quả khi “móc ví” của người qua đường không ít tiền.

Lòng thương của người dân bị những kẻ "diễn kịch" lợi dụng

Giả đau ốm để lừa tiền

Theo Vietnamnet, từng có một trường hợp lừa đảo xin tiền bị bóc mẽ trên mạng xã hội. Thành viên có tên là Bùi Đình chia sẻ: "Một cụ lom khom đi bất ngờ gục xuống ôm gốc cây vẻ mặt đau đớn, đáng thương. Thấy vậy một anh thanh niên đi qua chạy đến hỏi chuyện, nghe nói cụ quê Sơn La ra Hà Nội khám bệnh phát hiện U gan giờ không có tiền về quê.

Anh thanh niên kia hỏi tiền xe hết bao nhiêu, cụ trả lời là 380 nghìn. Anh rút 400 nghìn cho cụ và gọi luôn xe ôm chở cụ ra bến xe Mỹ Đình (cách đó khoảng 100m)...Cụ này vừa lên xe thì có một cậu nói "Các anh bị lừa rồi. Ông này ngồi quanh Hà Nội chuyên xin tiền kiểu này".

Một số người khác cũng tố cáo: "Từng gặp ông này lừa tiền trên tuyến xe buýt Hà Nội - Hải Dương. Ông ấy nằm khóc trên xe kêu đau thảm thiết, cả xe từ người trẻ đến già đều góp tiền vào cho mỗi người 30-50 nghìn đồng để cho.

Cần tỉnh táo ngay cả khi muốn giúp đỡ người khác

Những chiêu trò "diễn kịch" khéo luôn kiếm được không ít tiền với mục đích đánh vào lòng thương cảm, tâm lý luôn sẵn sàng giúp đỡ của mọi người. Vì vậy, khi muốn giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó, trước hết ta nên xác định thông tin về đối tượng để tránh bị lừa gạt, để lòng tốt không trở thành “tiếp tay” cho những kẻ lừa đảo. Chúng ta thật sự tỉnh táo để giúp đúng người, đúng cách, để những “màn kịch” trên sớm “hạ màn”.