Tình người qua những đôi dép cũ

ANTD.VN - Tại một góc nhỏ của con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, hình ảnh một thợ sửa giày dép cũ sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu phía trước không đề tấm bảng với nội dung: “Nhận sửa giày dép cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị”... 

Cũng bởi vậy, chúng tôi rẽ vào. trước mặt là một cậu bé với dáng người nhỏ thó, gầy gò, đen nhẻm đang cặm cụi từng đường kim mũi chỉ để chỉnh sửa lại những đôi dép cũ. Em tên là Nguyễn Bá Cường (19 tuổi), nhà ở phường 1, quận 3, TP.HCM. Công việc của em đã trở nên quen thuộc với người nghèo và câu chuyện của em khiến bất kỳ ai biết cũng đều không khỏi xúc động.

Tấm chân tình với người nghèo

Đôi tay gầy guộc, chai sạn, hơi run run do vừa bị kim may đâm vào hôm trước khiến cho những đường chỉ khó khăn hơn nhưng Nguyễn Bá Cường vẫn cố gắng làm. Nguyễn Bá Cường tâm sự, chiếc giày này là lời hứa của em với một cậu bé bán vé số. Chuyện là hôm trước, khi nhìn thấy một cậu bé chân đất đi bán xổ số giữa trời nắng rát mà Cường chạnh lòng, thương xót.

Bằng sự thân thiện của mình, Cường đã lại gần và nói với cậu bé ấy rằng: “Ngày mai, tớ sẽ sửa lại một đôi giày cũ, rồi tặng cậu nhé!”. Rồi Cường không quên dặn dò: “Nhớ mai đến đây nhé, cậu đừng có quên đó”. Giữ lời hứa, nên trong ngày hôm nay dù đôi tay có bị kim đâm, Cường vẫn cố gắng sửa thật nhanh giày cho khách, để còn dành thời gian “mông má” một đôi giày khác cho cậu bé bán vé xổ số kia.

Hình ảnh chàng trai 19 tuổi nhỏ bé, gày gò sửa giày ở đầu con hẻm 549 đã quá quen thuộc với người dân trong khu vực, nhất là khi có tấm bảng sửa giày dép miễn phí cho tất cả mọi người, từ anh chị bán xổ số, đến những chú đạp xích lô, ba gác và đặc biệt là người khiếm thị. Nguyễn Bá Cường ngồi làm việc ở góc đường này đã lâu, và cũng chừng ấy thời gian tấm biển sửa giày dép miễn phí cho những người khó khăn được đóng lên. Chỗ Cường làm không có bảng hiệu, không có một cái tên nhưng hầu hết những người dân xung quanh đều biết.

Có giày sứt đế, gãy gót, hư hỏng gì người ta cũng mang đến cho Cường. Cơ duyên đến với nghề sửa giày của Cường cũng khá tình cờ. Khi học hết năm lớp 6, Cường đã nghỉ học phần vì kinh tế gia đình khó khăn, phần vì không thể theo kịp các bạn cùng trang lứa. Sau đó, Cường theo phụ người dì bán đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo được hơn 2 năm. Khi đó, gần nhà Cường có tiệm sửa giày của người đàn ông tên Tuấn, người mà Cường vẫn gọi bằng thầy, mở hàng chục năm nay nên em hay ghé xem.

Thấy Cường nghỉ học sớm, chưa có nghề ổn định, nên thầy Tuấn hỏi Cường: “Em có thích sửa giày dép không, thầy sẽ dạy?”. Không chút đắn đo, Cường đáp nhanh: “Em thích ạ!”. Thế rồi, thầy Tuấn đồng ý dạy nghề cho Cường. 

Ban đầu, Cường gặp không ít trở ngại như dán keo giày mãi không dính, mũi kim khâu đâm vào tay chảy máu..., nhưng Cường quyết tâm phải học nghề bằng được mới chịu. Hai năm học và làm nghề,  Cường được người thầy cho dọn ra một vị trí khác để phụ làm việc. Cũng từ đó, cậu bé treo lên sạp mình tấm bảng chữa giày miễn phí. Nguyễn Bá Cường giải thích: “Bảng này là thầy và em cùng làm.

Thầy dặn em giúp đỡ những người mưu sinh trên đường phố vì nhiều khi họ không đủ tiền để mua lại một đôi giày đã rách, sửa đôi giày thôi cũng phải suy nghĩ, không đủ tự tin để bước vào sửa giày”. Ngoài ra, người thầy của Cường còn viết lên dòng chữ “Sống là phải biết lao động mới thành công. Trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng”.  

8h sáng mỗi ngày, Nguyễn Bá Cường bắt đầu một ngày làm việc của mình. Chiếc thùng chứa đồ nghề gửi nhà người quen được em đẩy ra đầu hẻm. Thường, em làm việc đến khoảng 4 giờ chiều. Làm nghề sửa giày dép ngay một góc nhỏ của con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần như ngày nào em cũng nhìn thấy những người bán vé số vì nghèo quá, dép rách, giày hỏng nhưng không có tiền mua đôi mới hoặc sửa lại.

Có người chân phồng rộp lên vì mặt đường nóng rát, nhưng có thể vì ngại nên nhiều người trong số họ chần chừ khi ghé vào cửa hàng sửa giày dép của Cường dù là sửa miễn phí. Thông cảm với nỗi lòng của người nghèo, nên Cường rất mong trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người hiểu được tấm lòng của mình mà thoải mái đem giày dép đến nhờ em sửa giúp.

Ước mong giản dị

Trò chuyện với chúng tôi về những việc mình đang làm, Cường chỉ cười vì trong thâm tâm em luôn nghĩ rằng việc khâu lại đôi giày cũ, dán lại chiếc dép đứt miễn phí cho người nghèo chẳng có gì đáng để kể. Có lẽ mọi thứ hồn nhiên như lời em nói và mọi người ở đây đều rất quen thuộc với việc làm tốt của Cường nên cũng không còn ngại ngùng khi nhờ em giúp đỡ.

Một người làm nghề “xe ôm” ở khu vực chợ Bàn Cờ gần chỗ Cường sửa giày dép đến lấy đôi giày bị hỏng phần đế nhờ sửa giúp cho biết:  “Cách đây mấy tháng, tôi cũng có đem đôi dép đứt quai cho Cường may lại, sửa xong nhưng cháu nó nhất định không lấy tiền. Thật sự cảm kích với tấm lòng của cháu nó, khu này ai cũng biết về công việc sửa giày miễn phí cho người nghèo của cháu Cường. Hôm trước cũng có người quét rác đem giày cho Cường sửa nhưng cháu nó cũng nhất mực không lấy tiền. Giờ mọi người cũng quen, nhờ cháu Cường giúp không còn ngại nữa mà cũng thôi nhắc đến chuyện công phí”.

Dù chưa hoàn toàn thành thạo nhưng những chiếc giày, đôi dép được gửi gắm đến chỗ Cường đều được em tỉ mỉ làm và luôn đúng hẹn với khách. Đôi tay không ngưng nghỉ, mặt lúc nào cũng đăm chiêu tập trung dán cẩn thận từng đế giày, hai đầu gối cũng được trưng dụng thành “bàn làm việc” của em. Cường cho biết, mỗi ngày làm được nhiều nhất khoảng 10 đôi giày, còn trung bình khoảng 5, 6 đôi, thu nhập mỗi ngày cũng được khoảng 80.000 đến 100.000 đồng.

Cha của Cường hiện là một nhạc công đám cưới còn mẹ em ở nhà nội trợ. “Mỗi tháng em kiếm được khoảng 3 triệu đồng tiền lương thì gửi phần lớn phụ giúp cha mẹ, số còn lại chi tiêu tiết kiệm. Là anh cả trong nhà, em luôn hiểu được trách nhiệm của mình. Thấy em trai mình hiện đang học cấp II học giỏi, ngoan ngoãn, em rất mừng” - Nguyễn Bá Cường tâm sự - “Sau này, bản thân em chỉ biết cố gắng làm việc, lo cho em ăn học đến nơi đến chốn”.

Về ước mơ tương lai, chàng trai 19 tuổi cho biết: “Em đang tiết kiệm và cố gắng chăm chỉ lao động để sau này có thể mở được một cửa hàng nhỏ tại TP.HCM như thầy Tuấn rồi lo làm ăn, nuôi em trai, cha mẹ. Em cũng muốn mở lớp dạy sửa giày dép miễn phí cho những thân phận khó khăn”. Theo Cường thì do bản thân không có nhiều tiền để làm từ thiện nên sẽ giúp người khác bằng cách dạy nghề. “Có nhiều cách giúp đỡ người khác không chỉ là tiền. Quan trọng là mình thấy vui và người được giúp đỡ cũng thấy vui là được rồi.

Giữa một TP.HCM sôi động, con người lúc nào cũng tấp nập, chạy đua từng giờ từng phút để mưu sinh kiếm sống hàng ngày, thì đâu đó trên những con đường, góc phố, hẻm nhỏ lại xuất hiện bình trà đá, tủ thuốc, bánh mì, sửa giày dép… với lời chú thích “miễn phí”. TP.HCM một ngày tháng 8 với những cơn mưa chợt đến vội đi, chàng trai trẻ tuổi Nguyễn Bá Cường vẫn lặng lẽ ở một góc đường, giữa những bộn bề lo lâu của cuộc sống mưu sinh vẫn dành thời gian để làm những việc tử tế để giúp đỡ mọi người xung quanh, đó là “món quà” của tình người, trên phố.