Tin giả, tin đồn cũng nguy hiểm như dịch bệnh Covid-19

ANTD.VN - Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp nơi lại có thêm một cơn dịch khác khiến người ta chao đảo, đó là “Fake news” - tin giả, tin thêu dệt, tin đồn thất thiệt được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Đứng trước “cơn dịch” này, nhẹ thì gây tranh cãi, nặng thì gây ra sự mất niềm tin, đẩy sự sợ hãi và hoang mang lên cao độ. Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với  TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), tác giả của cuốn sách “Thiện, ác và smartphone”, “Bức xúc không làm ta vô can” từng được độc giả yêu thích và đón nhận để mổ xẻ nguồn gốc cũng như cách hóa giải “cơn dịch” này. 

Có những người nổi tiếng góp phần lan truyền tin giả

- Phóng viên: Khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, trong khi các cơ quan chức năng đang gồng mình ứng phó thì một cơn hoảng loạn đã xảy ra trên mạng xã hội với hàng loạt tin đồn thất thiệt. Anh ở đâu giữa “rừng” tin giả và cảm thấy thế nào khi đọc chúng?

- TS. Đặng Hoàng Giang: Tôi hạn chế vào mạng xã hội. Mỗi ngày tôi chỉ dành một lượng thời gian hạn chế để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, khước từ việc “tiêu thụ” những thông tin tới từ những nguồn không chính thống.   

- Có một sự thật là, những thông tin bên lề thiếu kiểm chứng, không chuẩn xác thường được chia sẻ và like rất nhanh, nhất là những tin có nội dung tiêu cực. Anh lý giải thế nào về điều đó?

- Có thể gọi đó là “cơn dịch” tin đồn và có nhiều yếu tố tâm lý dẫn tới “cơn dịch” này. Có lẽ do nhiều người không tin tưởng vào các nguồn tin chính thống, cho rằng nhiều thứ bị che giấu, nên khao khát tìm tới những người được cho là trong cuộc, thạo tin. Nhiều người có khoái cảm khi cho rằng mình sở hữu thông tin mà xã hội không có, họ có cảm giác được chú ý, được coi là đặc biệt, quan trọng khi họ lan truyền những tin đó. Bên cạnh đó, tâm lý con người cũng đặc biệt quan tâm tới những tin xấu, tin giật gân và bỏ qua những tin tốt.

Như chúng ta thấy, ở ngoài đời người ta có thể đứng lại rất lâu chỉ để nhìn hiện trường một vụ tai nạn máu me. Điều đáng nói là người ta thường chia sẻ và like những thứ xấu nhiều hơn những tin tốt. Tất cả những điều ấy dẫn đến một xã hội phi lý trí, ai cũng có thể sôi sùng sục bởi tất cả những tin đồn như vậy, rồi luôn sống trong trạng thái lo sợ về tất cả những thứ diễn ra xung quanh mình. Như thế khác nào tự đầu độc bản thân.

- Trong số những người góp phần lan truyền tin giả, tin sai lệch, có cả những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Anh nhận định ra sao về sự chia sẻ vội vã và thiếu kiểm chứng của họ? Điều gì khiến họ rơi vào tình cảnh bị lừa bởi những tin “fake” như thế? 

- Nhiều cư dân mạng thiếu kỹ năng kiểm chứng tin. Có thể nói những người này biết đọc, biết viết nhưng vẫn “mù chữ” ở phương diện tiếp nhận một cách có chọn lọc những gì mình đọc được. Nhiều người nghiện mạng xã hội, họ xem những tin tức trên mạng là nguồn cung cấp thông tin chính. Thế nên vẫn có những hiện tượng như bản thân họ không đánh giá được đâu là thông tin thật, đâu là tin nhảm. Những người nổi tiếng cũng không ngoại lệ. Đáng tiếc là sự nổi tiếng của họ khiến tác hại cũng lớn hơn rất nhiều.  

- Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí xử phạt nhiều trường hợp đăng các tin “fake” về dịch Covid-19, nhưng vì sao chúng vẫn được lan truyền trên cả mạng xã hội lẫn đời thực?

- Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để nhanh chóng nắm bắt các tin đồn có tác động tiêu cực lớn trong xã hội,  kịp thời cung cấp thông tin và phủ nhận những tin đồn thất thiệt đó. Sự minh bạch, kịp thời của các kênh chính thống là cách duy nhất hiệu quả trong hoàn cảnh hiện nay để đẩy lùi các tin đồn.  

Cưỡng lại mong muốn tọc mạch vào đời tư

- Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, người ta đã phải thốt lên rằng “dẹp tin fake mệt ngang chống dịch”. Anh suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

- Bệnh dịch tin giả, tin đồn cũng bùng phát không kém gì bệnh dịch Covid-19, gây ra tác hại rất khôn lường. Chúng gây hoảng loạn xã hội, cản trở công việc của chính quyền và các chuyên gia y tế, tấn công vào nhân phẩm và danh dự của nhiều cá nhân. Trong những tình huống khủng hoảng, một tập thể cần giữ được sự bình tĩnh, khả năng thu thập thông tin để phân tích, đánh giá và ra quyết định. Cơn bão tin giả có nguy cơ phá hủy khả năng này của cộng đồng.  

- Theo anh, các chế tài xử phạt hiện nay đã đủ để khiến người ta phải thận trọng nhấn nút chia sẻ đối với các thông tin chưa được kiểm chứng hay chưa?

- Khi công cụ mạng xã hội nằm trong tay hàng chục triệu dân thì rất khó có chế tài xử phạt nào hiệu quả, đặc biệt vì các chế tài này vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật chứ không thể được triển khai một cách tuỳ tiện. Để so sánh, hãy hình dung kịch bản đa số người tham gia giao thông vượt đèn đỏ. Ta sẽ không thể đủ lực lượng đứng ra để phạt hàng chục triệu người vi phạm cùng lúc như vậy. Lời giải vẫn phải nằm thứ nhất ở nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, thứ hai ở thiết kế của mạng xã hội sao cho các tác động tiêu cực của chúng được giảm thiểu. Vấn đề thứ nhất liên quan tới giáo dục, vấn đề thứ hai liên quan tới lời giải kỹ thuật và đều cần rất nhiều thời gian.  

- Theo anh, lời khuyên nào cho cư dân mạng có thể nhận thức một cách đúng đắn giữa cả rừng tin “fake” được sản sinh chóng mặt trên mạng xã hội giữa đại dịch Covid-19 hiện nay? 

- Tôi nghĩ mọi người nên hạn chế dùng mạng xã hội. Thay vào đó hãy tập trung đọc báo chí chính thống trong và ngoài nước để cập nhật thông tin. Ngoài ra, đứng trước bất kỳ thông tin “trôi nổi” nào trên mạng xã hội, cần phải thận trọng kiểm tra độ tin cậy, đặc biệt khi đó là những thông tin quá giật gân. Bản thân mỗi người cũng cần cố gắng cưỡng lại mong muốn tọc mạch vào đời tư của người mắc bệnh, người đang bị cách ly, và không chia sẻ những tin đồn liên quan tới họ. Có thể nói việc chia sẻ thông tin là hành vi bản năng của con người. Tôi ý thức được tác hại của những cái đó nên cẩn thận hơn nhiều. Tôi tự nhắc mình phải chậm lại, đọc những thông tin lạ thì không vội “like” hay “share”.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!