Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ các bữa tiệc cưới

ANTD.VN - Vừa qua, dư luận đã xôn xao trước sự việc, 73 người phải nhập viện sau bữa tiệc cưới vì bị ngộ độc gỏi tôm. Đáng nói, trong thời gian qua, liên tục xuất hiện nhiều vụ ngộ độc, đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc tổ chức đám cưới.

Vì ăn gỏi tôm, 73 người phải nhập viện

Như VTC đã đưa tin, sáng 13-7-2019, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã tiếp nhận thêm 19 trường hợp nhập viện do bị ngộ độc tập thể sau tiệc đám cưới, nâng số bệnh nhân lên 73 người.

Các bệnh nhân đều trú tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà (Thừa – Thiên Huế) và đều tham gia chung một bữa tiệc cưới vào ngày 12-7 ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa – Thiên Huế).

Được biết, ngay trong chiều 12-7, đã có 24 bệnh nhân nhập viện trong trình trạng nôn mửa, chóng mặt, tiêu chảy, sau đó, nhiều trường hợp cũng nhập viện trong tình trạng tương tự.

Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho 73 bệnh bị ngộ độc tập thể (ảnh:Tuổi Trẻ)

Theo lời các bệnh nhân, bữa tiệc cưới được gia đình chuẩn bị với nhiều món ăn, trong đó những bệnh nhân nhập viện đều dùng món gỏi tôm. Ngay lập tức, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Sở y tế tỉnh Thừa – Thiên Huế đã kiểm nghiệm mẫu tôm được sử dụng trong tiệc cưới.

Kết quả cho thấy, mẫu thực phẩm lấy kiểm tra có vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus vượt ngưỡng. Đây được coi là nguyên nhân chính gây ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người dân sau khi dự tiệc cưới bị ngộ độc. Được biết, sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, đã có 71 bệnh nhân hồi phục và được xuất viện, chỉ còn 2 trường hợp phải ở lại để theo dõi thêm.

Hơn 200 người ngộ độc tập thể sau khi dự tiệc cưới

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, sáng 14-7-2019, hơn 200 người dân của hai huyện Buôn Đôn và huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lắk phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói vì bị ngộ độc thức ăn sau khi đi dự tiệc cưới.

Cụ thể, trưa 13-7, tại gia đình bà Phạm Thị Minh Thúy (trú tại thôn 4, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã tổ chức đám cưới với gần 640 khách dự tiệc. Cùng ngày, gia đình ông Lý Chiến Thắng (trú tại thôn An Bình, xã Chư K’Pô, huyện Krông Búk) cũng tổ chức đám cưới với hơn 1.000 khách tham dự. Đáng nói, đến 23h, hàng trăm khách mời tham gia 2 tiệc cưới này đều nhập viện trong tình trạng đi ngoài, nôn ói và đau bụng dữ dội.

Hàng trăm người nhập viện trong tình trạng đi ngoài, nôn ói và đau bụng dữ dội sau khi tham dự lễ cưới (Ảnh: VOV)

Nguyên nhân vụ việc đang được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk điều tra làm rõ. 

Ngộ độc thức ăn khiến 3 người tử vong, 25 người nhập viện

Được biết, sự việc ngộ độc tập thể khiến 3 người tử vong, xảy ra vào ngày 1-10-2017, khi gia đình ông Lý Seo Hỏa (trú tại thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) tổ chức ăn hỏi cho con trai.

Bữa cơm được tổ chức với sự có mặt của hơn 60 khách mời. Thức ăn và rượu gạo đều được gia đình tự chuẩn bị, bao gồm: thịt lợn, canh xương nấu đu đủ, gạo tẻ và một ít nấm gia đình mua về chế biến.

Đến 4h sáng, ngày 3-10, có 3 người nhập viện với các triệu chứng đau đầu, nôn ói, chóng mặt, đau bụng, sau đó tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đáng nói, trong liên tục các ngày sau đó đã có 55 người phải nhập viện với các triệu chứng tương tự.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ các bữa tiệc cưới ảnh 3

Vụ ngộ độc tập thể đã khiến 3 người tử vong và 25 người khác nhập viện

Sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã yêu cầu tỉnh Hà Giang điều tra nguyên nhân và xử lý sự việc không đáng có này. 

Giải pháp nào cho việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo các chuyên gia, đồ ăn tại các bữa tiệc cưới được xem là rất khó phát hiện có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không. Đa số, các món ăn trong tiệc cưới đều do gia đình tự chuẩn bị hoặc thuê của các nhà hàng tiệc cưới và được dọn lên khi đã được chế biến. Việc nhận biết món ăn ấy có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không là một điều bất khả kháng.

Do vậy, để đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì chính những người làm ra món ăn ấy phải có trách nhiệm kiểm chọn và chế biến các nguyên liệu để tránh các vi khuẩn gây hại xuất hiện.

Người dùng không nên chọn các loại rau củ quả không còn tươi hoặc đã mọc mầm, các loại rau của quả bị dập,thối hoặc đã mọc mầm đều có thể chứa các vi khuẩn mang nhiều độc tố có thể gây ngộ độc. Nên sử dụng nước sạch để chế biến đồ ăn, nếu sử dụng nước giếng, sông, suối thì phải lọc sạch và khử độc trước khi dùng.

Không nên để các dụng cụ bẩn qua đêm, phải rửa sạch và phơi ráo ngay sau khi không còn sử dụng nữa để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Cuối cùng, phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, nên rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến, không nên để mồ hôi rơi vào món ăn, không để móng tay quá dài và không được chế biến món ăn khi mình đang bị đau bụng, sốt, nhiễm trùng ngoài da hay các bệnh di truyền khác để đảm bảo an toàn cho những người khác.