Thường xuyên thức khuya quá 23h, ăn uống thất thường… tăng nguy cơ ung thư dạ dày

ANTD.VN - Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có khoảng 11.000 người tử vong vì bệnh ung thư dạ dày. Đặc biệt, số bệnh nhân mắc ung thư dạ dày còn trẻ, dưới 40 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20 - 25%...

70% bệnh nhân ung thư dạ dày ở nước ta nhập viện giai đoạn muộn

Tại Hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành Tiêu hóa - Gan mật diễn ra sáng 29-9 ở Hà Nội, PGS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới.

Đáng chú ý, đa số bệnh nhân nhập viện đã ở giai đoạn nặng, phải phẫu thuật và điều trị hóa chất (chiếm tới 70%), nguyên nhân do bệnh này không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày.

Theo PGS.TS Vũ Trường Khanh, những người có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gồm: các đối tượng thường xuyên bị áp lực, căng thẳng trong công việc hay ăn uống thất thường; thường xuyên thức khuya (quá 23h); thường sử dụng rượu bia; người ăn quá mặn; lười vận động thể lực… Đặc biệt, khoảng 80% dân số nhiễm vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa là những nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. 

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, đối với ung thư đường tiêu hóa, cách tốt nhất là nội soi để phát hiện sớm. “Chúng ta không thể nội soi cho tất cả người dân ngay được mà phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ cao. Đơn cử là những người trên 40 tuổi hoặc có bố, mẹ, anh, chị em ruột bị ung thư dạ dày (ở tuổi trước 40) thì đó là những người có nguy cơ cao”- PGS. Khanh chỉ rõ.