Thực hư chuyện "xin được con" tại ngôi đền ở Hải Dương

ANTD.VN - Theo Ban quản lý Khu di tích đền Sinh - đền Hóa, mỗi năm ở đây đón tiếp khoảng 90.000 lượt khách, trong đó, một phần không nhỏ là các cặp vợ chồng hiếm muộn khắp trong Nam ngoài Bắc đến “xin con”.

Khu di tích đền Sinh - đền Hóa nằm trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây không chỉ thu hút nhiều du khách đến cầu tài lộc, cầu công danh mà còn nổi tiếng với tín ngưỡng cầu tự (cầu con). 

Thực hư chuyện "xin được con" tại ngôi đền ở Hải Dương ảnh 1Rất nhiều người đến đền Sinh cầu con, xin con

Cầu được ước thấy? 

Từ TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vợ chồng chị Lê Thu Hằng thuê taxi đến đền Sinh từ sáng sớm. Chị Hằng cho biết hai vợ chồng lấy nhau đã 4 năm mà chưa có con. Tháng 9 năm ngoái, hai vợ chồng đã làm thụ tinh ống nghiệm nhưng không thành công. Chị biết đến đền Sinh qua một diễn đàn về hiếm muộn trên mạng xã hội và nghe đồn nhiều người đến đây cầu con đã đạt được tâm nguyện nên cùng chồng tìm đến. “Năm nay tôi sẽ tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm, Đông Tây y kết hợp tâm linh, hy vọng sẽ thành công”, chị Hằng chia sẻ.

Cũng giống như chị Hằng, tại đền Sinh, chỉ trong một ngày chúng tôi gặp tới hàng chục cặp vợ chồng đến đây viết sớ cầu con, trong đó nhiều người đến từ rất xa như Thanh Hóa, Nghệ An... Theo một người bán đồ lễ trước cổng đền, từ đầu năm đến nay, vào những ngày cao điểm như rằm tháng Giêng, hay thứ bảy, chủ nhật, số người tới kêu xin con còn đông hơn. 

Cụ Phạm Văn Được, người chuyên viết sớ ở cổng đền Sinh cho biết, từ đầu năm đến nay, cụ đã viết sớ cầu con cho khoảng 100 cặp vợ chồng. Những năm trước, chỉ có người địa phương nhưng khoảng năm 2008, du khách thập phương khắp trong Nam ngoài Bắc, có người từ TP.HCM cũng về đây làm lễ cầu con. Trung bình 1 năm có khoảng 500 người đến nhờ cụ viết sớ và phần lớn trong số đó đến làm lễ tạ(?!).

Điều này, theo cụ Được, cũng đồng nghĩa với việc phần lớn số người đến đây xin con thành công, bởi theo tục lệ thì những người xin được con sẽ phải làm lễ tạ. Tất nhiên, con số này chỉ là do cụ Được tự ghi nhớ chứ cũng không có bằng chứng nào để chứng minh tính khách quan.

Không chỉ những cặp vợ chồng hiếm muộn mà thậm chí nhiều cặp vợ chồng đã có con nhưng một bề cũng đến đây để cầu con. Tại cổng đền, một người đàn ông vừa mua đồ lễ thắp hương cho biết, anh sinh được 3 người con gái nên năm nay đến đây “cầu Mẫu cho một thằng con trai”.

Chị Hương, một người dân địa phương vừa làm lễ xong cũng hào hứng khoe tấm ảnh đứa con trai hơn 10 tháng tuổi và cho biết mình đã có 3 đứa con gái. Cách đây 2 năm, chị đến đây “xin một thằng con trai”, về nhà kết hợp với các biện pháp kỹ thuật và cuối cùng cũng sinh được một cậu con trai.

Thực hư chuyện "xin được con" tại ngôi đền ở Hải Dương ảnh 2Cụ Phạm Văn Được viết sớ cầu con cho du khách

Không nên mê muội

Theo bà Nguyễn Thị Thơ, Tổ trưởng Tổ quản lý Khu di tích đền Sinh - đền Hóa, tích cầu tự ở đền Sinh (đền Mẫu Sinh) bắt nguồn từ thần tích Đức thánh Phi Bồng hiển hóa uy linh tại sườn non Ngũ Nhạc. Theo tích này, đền Sinh chính là nơi Đức thánh Phi Bồng hiển linh tại một phiến đá mang hình phụ nữ đang lâm bồn, được gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn vẫn được thờ ở trong đền. Còn đền Hóa là nơi ngài thăng hóa về trời. Sau này, Đức thánh Phi Bồng tiếp tục hiển linh giúp Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên Mông.

Việc giải tỏa tâm lý và có niềm tin giúp ích rất nhiều cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Không có bằng chứng nào cho thấy việc đi lễ, đi cầu giúp nhiều cặp vợ chồng có con, nhưng cũng không thể phủ nhận là việc đi lễ giúp nhiều người giải tỏa được tâm lý căng thẳng và đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị

Bên cạnh đó, trong sử sách cũng lưu truyền điển tích khẳng định đền Sinh - đền Hóa là công trình thờ tự nơi sinh thành và qua đời của tướng Chu Phúc Uy hiệu là “Phi Bồng tướng quân” - một nhân thần thời Tiền Lý. Ông là con cầu tự của cặp vợ chồng bần nông, cao tuổi, hiếm con là Chu Danh Thức và Hoàng Thị Ba - người trang An Mô.

Tuy nhiên, theo bà Thơ, dù đền nổi tiếng về cầu tự nhưng hiện những số liệu thống kê về số du khách đến với mục đích xin con cũng như những trường hợp làm lễ tạ vì “xin được con” mới chỉ là của cá nhân cụ Được đưa ra, còn Ban quản lý di tích không tiến hành nghi lễ đó cũng như không thống kê.

Để đảm bảo nét đẹp tâm linh, không sa đà vào mê tín dị đoan, Ban quản lý thường xuyên hướng dẫn du khách về các nghi lễ. “Quan trọng là sự thành tâm, còn nếu chỉ đi theo phong trào, sự đồn thổi, mê tín dị đoan thì không nên”, bà Thơ nói.

Trong nhiều nghiên cứu về điều trị vô sinh, hiếm muộn đã khẳng định yếu tố tâm lý rất quan trọng, nhiều khi mang tính quyết định, vì càng căng thẳng thì càng khó có con, nhất là ở người phụ nữ. Chính vì vậy, việc giải tỏa tâm lý và có niềm tin giúp ích rất nhiều cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Không có bằng chứng nào cho thấy việc đi lễ, đi cầu giúp nhiều cặp vợ chồng có con, nhưng cũng không thể phủ nhận là việc đi lễ giúp nhiều người giải tỏa được tâm lý căng thẳng và đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị. Tuy nhiên, “đi xin, cầu để giải tỏa tâm lý như một sự thư giãn thì không sao, nhưng nếu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc đó mà bỏ qua tất cả các phương pháp khác thì rất không nên”, BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám Sản phụ khoa (Bệnh viện Bộ NN&PTNT) đưa ra lời khuyên.