Thống nhất cách xác định tuổi nghỉ hưu với người không rõ ngày, tháng, năm sinh

ANTD.VN - Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc thống nhất xác định cách tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày, tháng sinh.

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) chất vấn: “Tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc xác định quy định: Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh, chỉ ghi năm sinh là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Đối tượng nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong Nghị định này không hướng dẫn đối với trường hợp nghỉ hưu mà không có ngày sinh, tháng sinh, chỉ ghi năm sinh.

Tuy nhiên, ngày 20/8/2019, Bộ Nội vụ có Công văn số 4030/BNV-TCBC gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam với nội dung: Khi giải quyết trường hợp tinh giản biên chế mà không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để xác định thời điểm nghỉ hưu đối với trường hợp này.

Đối chiếu với các quy định nêu trên cho thấy còn có cách xử lý khác nhau trong cùng một trường hợp thời điểm nghỉ hưu. Do đó, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ quy định thống nhất cách tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày sinh, tháng sinh, chỉ có năm sinh như nêu trên".

Về nội dung này, Bộ Nội vụ có ý kiến như sau: Tại điểm d Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 115/2015/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi”.

Tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 113/2018/NĐ-CP) quy định: Trường hợp trong hồ sơ 2 của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.

Tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định xác định trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm nêu trên phải đến ngày 01 tháng 01 năm liền kề mới đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Tại Khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Do vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, đối với trường hợp tinh giản biên chế không xác định được ngày, tháng sinh thì việc xác định thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng tinh giản biên chế được áp dụng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.

Theo đó, để bảo đảm thống nhất về xác định thời điểm nghỉ hưu đối với các trường hợp tinh giản biên chế không xác định được ngày, tháng sinh, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu xem xét việc sửa đổi về thời điểm hưởng lương hưu quy định tại Thông tư số 59/2015/TTBLĐTBXH ngày 29/12/2015 cho phù hợp.

Trường hợp chưa ban hành Thông tư sửa đổi, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hướng dẫn thực hiện theo quy định, đồng thời có văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau).