Thời tiết nồm ẩm: Lo ngại cúm mùa, đề phòng tử vong do lên cơn hen cấp

ANTD.VN - Thời tiết giao mùa, nồm ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, các loại bệnh như cúm mùa, viêm đường hô hấp, hen phế quản… có nguy cơ gia tăng.

Tại BV Nhi Trung ương, thời tiết giao mùa hiện nay khiến số bệnh nhi nhập viện vì cúm gia tăng

Bệnh nhi ngất xỉu, nguy kịch vì lên cơn hen cấp

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nồm, ẩm như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển, nhất là virus cúm phát triển với tốc độ lây lan nhanh, số bệnh nhi mắc cúm cũng có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý, do chủ quan nên rất nhiều người dân tự ý tìm mua thuốc kháng sinh về cho con uống tại nhà, chỉ khi trẻ diễn biến nặng mới đưa nhập viện. Bác sĩ Hải nhấn mạnh, đây là một sai lầm vì với bệnh cúm, dùng thuốc khác sinh không có tác dụng điều trị.

Ngược lại, nhiều người dân lại có tâm lý lo lắng vì thông tin thiếu thuốc tamiflu – thuốc đặc trị cúm – vừa qua nên tìm mua bằng được Tamiflu về để điều trị cúm cho con tại nhà. Điều này cũng không được các bác sĩ khuyến cáo, bởi không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng Tamiflu. Hơn nữa, Tamiflu cần phải dùng đúng theo chỉ định của các bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, với trẻ mắc cúm mùa, nếu được chăm sóc tốt tại nhà sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày; khi cần, nên tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng thuốc mà bác sĩ chỉ định chứ không nên tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm cá nhân.

Bên cạnh bệnh cúm mùa, thời tiết giao mùa với không khí nồm, ẩm hiện nay cũng khiến nhiều người mắc bệnh hen, nhất là những người có tiền sử bệnh hen dễ bị lên cơn hen cấp.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương, mới đây, khoa này đã tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tổn thương não không thể hồi phục. Nguyên nhân là bệnh nhi này mắc bệnh hen, hôm đó đi chơi cha mẹ quên mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen.

Khi bệnh nhi lên cơn hen cấp, có biểu hiện khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở nhưng không kịp. Bệnh nhi rơi vào tình trạng ngưng tuần hoàn, tím tái và ngất xỉu.

Tương tự, tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này rất nhiều trẻ nhỏ nhập viện điều trị do mắc cúm mùa, viêm đường hô hấp, viêm phổi nặng…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết nồm ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất cao như hiện nay khiến các đối tượng có sức đề kháng kém rất dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 3 lần do bị viêm đường hô hấp trên.

Hà Nội tiếp tục đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài để kiểm soát dịch bệnh

Đề phòng dịch sởi, tay chân miệng…

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua (từ 26-2 đến 4-3) đã ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 47 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có tới 22 trường hợp mắc sởi.

Theo các chuyên gia, hiện tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong song số ca mắc, nhập viện do sởi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới bởi đây là “mùa” của bệnh sởi.

Tương tự, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh ho gà, 1 trường hợp mắc sốt xuất huyết, còn số ca mắc tay chân miệng tính từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng lên 13 trường hợp...

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy hầu hết các dịch bệnh tại Hà Nội trong tuần qua đều ghi nhận số ca mắc giảm so với các tuần trước đó song người dân không được phép chủ quan bởi nguy cơ bùng phát các dịch bệnh vào thời điểm này, nhất là các dịch bệnh mùa xuân như cúm, sởi, ho gà... là rất lớn.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm đang tiếp tục có xu hướng gia tăng tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc... đặc biệt có sự gia tăng của các chủng cúm nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6) và A(H5N1). Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tăng cường giám sát các ca viêm phổi nặng do virus để có thể phát hiện sớm các chủng cúm nguy hiểm trên (nếu dịch xâm nhập).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân, đặc biệt là tại các nơi diễn ra các Lễ hội đầu xuân năm 2018.

Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là chỉ đạo tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế theo quy định.

Cùng đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận được; tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Đồng thời, cần phối hợp với TTYT các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.