Thị trường xì-gà: Mập mờ xuất xứ, phập phù chất lượng

ANTD.VN -Thời gian gần đây, hút xì-gà đã trở thành thú chơi đẳng cấp thời thượng của một số người. Tuy vậy, việc cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn điếu xì-gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem mác, không hóa đơn núp dưới mác “hàng xách tay” từ nước ngoài về đã cho thấy sự nhập nhèm bát nháo về chất lượng cũng như giá cả của mặt hàng này…

Thật, giả lẫn lộn

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.200 điếu xì-gà mang nhiều thương hiệu khác nhau do nước ngoài sản xuất nhưng chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xì-gà với số lượng hơn 42.000 điếu các loại. Sau vụ việc trên, không ít người tiêu dùng đã bày tỏ sự nghi ngờ, lo lắng về chất lượng của xì-gà đang được bày bán trên thị trường. 

Những hộp xì-gà như thế này có giá tiền triệu

Khảo sát tại một số cửa hàng bán xì-gà trên phố Bà Triệu, Nguyễn Khang, Trần Duy Hưng, Hàng Bài…chúng tôi thấy, mặt hàng này khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, có hộp 3 điếu, 6 điếu, 10 điếu…tùy theo nhu cầu của khách hàng. Giá cả mặt hàng này cũng khá đa dạng, từ vài trăm đến hàng triệu đồng/điếu (dòng Cohiba 52 có giá 14 -20 triệu đồng/hộp, Cohiba 54 là 15-20 triệu đồng/hộp…). Bên cạnh đó vẫn có những dòng xì-gà bình dân với giá khá mềm, chỉ từ 400-700.000 đồng/hộp. Hầu hết các sản phẩm đang bày bán được giới thiệu là hàng xách từ nước ngoài, song khi khách hàng yêu cầu hóa đơn thì các cửa hàng lại khéo léo từ chối. 

Trên mạng xã hội như zalo, facebook, việc mua, bán xì-gà cũng diễn ra rất sôi động với những lời quảng cáo hấp dẫn “nếu bạn lo lắng khi bắt đầu tìm hiểu về xì gà hoặc mua nó làm quà tặng, hãy gọi cho chúng tôi. Với tiêu chí tất cả vì sự hài lòng của khách hàng, chúng tôi luôn cung cấp những điếu xì gà chính hãng chất lượng tốt nhất với giá thành thấp nhất thị trường”. Cùng với đó, nhu cầu mua, bán các phụ kiện liên quan đến xì-gà ngày càng tăng.

Xì-gà được đưa về Việt Nam theo nhiều con đường như xách tay trực tiếp một số nước Nam Mỹ, mua từ các cửa hàng bán xì-gà ở các khu vực miễn thuế tại sân bay và lượng xì-gà nhập lậu. Bên cạnh đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, một số đối tượng đã sản xuất xì-gà giả từ phế phẩm, lá thuốc với chi phí sản xuất thấp hơn nhiều lần so với làm xì-gà thật nhưng hình thức rất giống nên việc phân biệt không hề đơn giản.

Xì-gà, mặt hàng cần “kiểm soát đặc biệt”

Được biết, nhằm tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép xì-gà, từ cuối tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã đưa xì-gà vào danh mục những mặt hàng cần “kiểm soát đặc biệt”. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 52/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 120/2015/TT-BTC quy định chặt chẽ hơn “thuốc lá điếu vượt trên 200 điếu hoặc xì-gà vượt trên 20 điếu (trước đây là 100 điếu) hoặc thuốc lá sợi vượt trên 250 gam”.

Ngoài ra, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại cũng quy định, thuốc lá điếu và xì-gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế) thuộc 20 mặt hàng nhà nước độc quyền. Tuy vậy, do lợi nhuận cao nên không ít cá nhân vẫn buôn bán xì-gà trái quy định, thậm chí chấp nhận nộp phạt.

Còn theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm: Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng cũng được coi là hàng nhập lậu.

Đối chiếu với quy định trên cho thấy, không ít mặt hàng “xách tay” là hàng hóa trốn thuế, nhập lậu – Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

BLHS 2015 (sửa đổi) đã quy định, phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phạt tù đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên. Tuy vậy, trong quá trình kiểm tra, áp dụng quy định xử lý hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá không có giấy phép còn nhiều vướng mắc. Do vậy, để tránh tình trạng mất tiền oan, mỗi cá nhân nên mua xì-gà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi kẻo vô tình tiếp tay cho những đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả…