Thi THPT quốc gia 2017: Lo nhất là khâu in sao đề và coi thi

ANTD.VN - Với hơn 866.000 thí sinh dự thi trên cả nước, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có bộ đề gồm tới 9 bài thi. 

Thi THPT quốc gia 2017: Lo nhất là khâu in sao đề và coi thi ảnh 1Công tác in sao đề thi THPT quốc gia được đặc biệt quan tâm 

Sớm bàn giao đề thi về địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề thi THPT quốc gia 2017 để bàn giao sớm cho các địa phương.

“Năm nay, với cách thức thi mới, số lượng đề thi sẽ tăng lên, công tác in sao đề thi sẽ nặng nề hơn. Vì vậy, Bộ đã công bố đề thi tham khảo để các sở biết số lượng giấy, mực... qua đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ cũng đã hướng dẫn các bước in sao, các tỉnh chỉ cần làm đúng là sẽ tránh được sai sót. Việc vận chuyển đề thi ở một số địa phương xa xôi, khó khăn, qua phà, đò, Bộ cũng đã nhắc địa phương cẩn trọng, cần cơ quan Công an phối hợp từ khi in sao đến lúc vận chuyển đề về các điểm thi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Dự kiến, ngày 10-6, Bộ GD-ĐT sẽ chuyển đề thi về các địa phương để in sao và chuyển đến các điểm thi. Đề thi dự bị sẽ được giao vào ngày 17-6. Các địa phương sẽ có một tuần để chuẩn bị in sao trước khi diễn ra kỳ thi.

“Năm nay, mỗi em sẽ có một mã đề thi riêng, mỗi phòng có 24 em (trước đây hơn 30 em) nên về mặt kỹ thuật, các em không thể hỏi nhau, hạn chế tối đa việc trao đổi. Mỗi phòng thi có một giáo viên phổ thông và một giảng viên đại học nên đảm bảo tính nghiêm túc trong coi thi. Ngoài ra, việc chấm thi bằng phần mềm và sử dụng máy quét nên không ai can thiệp được. Với kỹ thuật cũng như các phương thức tổ chức hiện đại, kỳ thi năm nay sẽ đảm bảo tin cậy, an toàn để các trường xét tuyển”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

2 nhóm tuyển sinh chung để lọc thí sinh “ảo”

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, nhằm khắc phục số lượng thí sinh “ảo” quá nhiều trong kỳ xét tuyển đại học 2016, năm 2017, các trường đại học thành lập hai nhóm xét tuyển lớn là nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam. Theo đó, nhóm phía Nam có 72 trường đại học, còn phía Bắc có 54 trường đại học lớn. Trong đó, các trường có tỉ lệ chọi cao, trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển thì đều tham gia vào hai nhóm này.

Năm nay, cả nước có 866.007 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Con số này giảm nhẹ so với năm trước nhưng khâu tổ chức thi vẫn khá căng thẳng khi được giao hoàn toàn về địa phương. Mọi sai sót xảy ra, Sở GD-ĐT các địa phương phải chịu trách nhiệm, Bộ GD-ĐT và các trường đại học chỉ giữ vai trò hỗ trợ, giám sát.

Hiện nay, cả hai nhóm phía Bắc và Nam đều khẳng định quy trình xét tuyển và lọc “ảo” của riêng mình. Quy trình loại thí sinh ảo dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển là do các trường quyết định. Khi chạy phần mềm xét tuyển, mỗi thí sinh trong nhóm chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Dựa trên nguyên tắc đó, nhóm phía Bắc xây dựng quy trình xét tuyển của mình theo phương thức điều chỉnh điểm chuẩn. Khi một trường thành viên trong nhóm điều chỉnh trực tuyến điểm chuẩn của mình, cả nhóm sẽ có nhận được thông tin tác động và có thể điều chỉnh theo nếu thấy nó có tác động lớn đến chỉ tiêu của trường mình.

Như vậy, 2017 là năm đầu tiên các trường đại học tại Việt Nam thống nhất xét tuyển chung với hai nhóm trường miền Bắc và miền Nam. Sau đó, hai nhóm trường này gửi danh sách dự kiến trúng tuyển cho Bộ GD-ĐT để chạy phần mềm lọc thí sinh ảo của Bộ để thanh lọc trên diện rộng cùng với các trường không cùng nhóm xét tuyển. Bộ GD-ĐT cho biết, phần mềm của Bộ đã được cải tiến để tương thích với phần mềm của 2 nhóm xét tuyển, đảm bảo xử lý tốt nhất dữ liệu tuyển sinh.