Thi giáo viên dạy giỏi: Làm thế nào để chấm dứt tình trạng "diễn" trong các hội thi?

ANTD.VN - Mới đây, Bộ trường Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục khẳng định, sẽ có chỉ đạo tích cực trong thời gian tới để thay đổi căn bản cách thức tổ chức thi giáo viên giỏi và đánh giá giáo viên sau khi có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thi này bị biến tướng bởi bệnh thành tích...

Bất đề bất cập trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi đã được phản ánh nhiều năm trở lại đây khi các cuộc thi này bị biến tướng thành các tiết học “mẫu” chủ yếu là “diễn” vì học sinh đã được “gà” bài, thậm chí dạy trước nhiều lần.

Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT nhận định, thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp.

Sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi.

Thi giáo viên giỏi chỉ có ý nghĩa khi không bị biến tướng bởi bệnh thành tích (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi.

Việc sử dụng kết quả của hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp, tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích... 

Nhận thấy các vấn đề liên quan đến tình trạng đối phó trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GDĐT đã có Công văn số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD về việc chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trong đó nhấn mạnh "Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được "gà bài" trước cho học sinh; Khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp...".

Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi tại Hải Phòng vừa qua cho thấy các trường vẫn không thực hiện theo chỉ đạo này khi cho học sinh học lực yếu nghỉ những tiết thi giáo viên giỏi.

Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên và các trường học vẫn đối phó, “diễn” với cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp là từ quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường đạt chuẩn. Trong đó, đối với trường tiểu học để đạt mức chất lượng tối thiểu phải có ít nhất 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 phải có ít nhất 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong đó ít nhất 20% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên; không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 phải có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong đó ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.

Những chỉ tiêu về tỉ lệ giáo viên dạy giỏi được quy định như vậy đã trở thành áp lực để nhiều trường học hiện nay bằng mọi giá phải có đủ tỉ lệ giáo viên dạy giỏi cho việc công nhận và giữ chuẩn quốc gia. Chưa kể đây cũng sẽ là thành tích để các trường được bằng khen, xếp loại thi đua trong địa phương và để khẳng định thương hiệu.

Việc xóa bỏ các quy định về tỷ lệ bắt buộc giáo viên giỏi để đánh giá các trường đang được Bộ GD-ĐT xem xét. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại nếu bỏ hẳn thi giáo viên dạy giỏi sẽ kéo tụt chất lượng giáo viên khi không có thang đo và công nhận của ngành đối với giáo viên dạy tốt và chưa tốt.