Theo chân đồng bào Thái dự nghi thức linh thiêng

ANTD.VN - Tôi có may mắn được dự khá nhiều tiệc mừng tân gia của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Mỗi dân tộc có một cách thức tổ chức riêng biệt, còn đối với người Thái ở tỉnh Điện Biên, sự khác biệt ấy khiến khách lạ không thể nào quên.

Bản Na Có, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên nằm sát ngay bên tỉnh lộ đi Cửa khẩu Tây Trang. Bản quy tụ đồng bào dân tộc Thái đen trăm năm sinh sống lập nghiệp tại đây. Na Có cũng là nơi lưu giữ trọn vẹn những tập tục của dân tộc mình. 

Theo chân đồng bào Thái dự nghi thức linh thiêng ảnh 1Trống xòe người Thái

Đánh trống gọi bản

Tảng sáng, chúng tôi đã có mặt ở nhà ông Lò Văn Tiến, Trưởng bản Na Có để chuẩn bị cho một chuyến đi xuyên rừng. Theo thói quen, mỗi sáng thức dậy, ông Lò Văn Tiến phải kéo 3 khói thuốc lào rồi mới bắt tay vào công việc. Khói thứ ba vừa dứt, phía đầu bản vang lên tiếng trống thình thình như trống hiệu vỡ đê. 

Ông Tiến sực nhớ ra điều gì đó mới bảo: “Ấy chết, hôm nay nhà thằng Quàng Pác Hạnh mừng nhà mới, tao là Trưởng bản không thể vắng mặt được. Mày có theo tao đến mừng tân gia không, vui lắm!”. Chúng tôi lên đường, vừa đi ông Tiến vừa giải thích, ở huyện Điện Biên này mỗi khi có việc gì hệ trọng là người ta đánh trống báo hiệu. Từ đám cưới, đám ma đến mừng tân gia, họp bản đều nhờ cái trống ấy cả.

Trống người Thái nghe khác trống người Kinh, âm thanh thình thình run rẩy cả người. Tang trống cũng khác của người Kinh, trống dài hơn một mét được treo lên xà nhà, người ta dùng dây mà buộc tứ phía cho không bị rung rồi gõ theo nhịp. Cái trống của người Thái cũng là dụng cụ để các cô gái thể hiện múa xòe, bắc nhịp cầu tình. Một lý do nữa được ông Tiến đưa ra khi người Thái dùng tiếng trống để gọi nhau là do địa hình vùng rừng núi khá hiểm trở, xa xôi. Để đến được hết các nhà trong bản có khi phải mất cả ngày trời. Nên từ xa xưa, họ giao ước với nhau bằng tiếng trống. Tiếng trống đơn là đám ma, trống kép là đám cưới, 3 nhịp là đám tân gia, 4 nhịp là họp bản. Tuy nhiên, theo ông Tiến, quy ước này mỗi vùng một khác, không có quy định chung.

Khi chúng tôi đến nhà anh Quàng Pác Hạnh đã thấy rất đông đủ dân bản ở đây. Họ chia ra các nhóm nhỏ để giao việc giúp chủ nhà mở tiệc. Đàn ông đi bắt lợn, đàn bà đi bắt gà, nhóm thiếu nữ xinh đẹp trang trí nhà cửa, sắp xếp bàn ghế, mấy em nhỏ thì đeo gùi đi hái rau, lấy măng tươi.

Theo chân đồng bào Thái dự nghi thức linh thiêng ảnh 2Dân bản cùng nhau múa xòe

Múa xòe mừng tân gia

Gần 12 giờ trưa, tất cả dân bản nhập tiệc, họ ăn uống chúc tụng chủ nhà ăn nên làm ra, con cháu đầy nhà và mọi điều may mắn. Tôi quan sát, cả trên nhà và dưới sân không dưới 100 mâm cỗ được bày biện rất chu đáo. Họ dùng thịt lợn mán làm món chính và thịt gà làm món phụ, riêng rau và măng tươi được làm gia vị cho bữa tiệc.

Đầu bữa tiệc, chủ nhà lên tiếng cảm ơn và thể hiện sự hiếu khách bằng việc tự rót ra 3 chén rượu và uống cạn. Ông Lò Văn Tiến cho hay, phong tục uống 3 chén rượu chỉ có ở Na Có mà thôi vì người dân ở đây từ xưa đã có giao ước ấy. Bữa tiệc chưa kết thúc, tiếng trống trong ngôi nhà mới đã vang lên. Tất cả già trẻ gái trai đều bỏ mâm đứng dậy tạo thành một vòng tròn. Một vài người có kinh nghiệm sẽ đứng ra đảm trách việc đánh trống, gõ não bạt, còn tất cả nắm tay nhau thể hiện điệu múa xòe truyền thống.

Tôi quan sát thấy cả những cụ già cũng tham gia múa xòe, để đảm bảo tất cả đều được nhảy múa, họ tạo thành nhiều vòng tròn khác nhau. Mỗi tiếng trống là một điệu lắc hông, đánh chân, cao tay rất nhuần nhuyễn. 

Phía vòng tròn chính giữa, 3 chàng trai và 3 cô gái xinh đẹp nhất (tóc chưa tằng cẩu - với người Thái đen nếu búi tóc trên đỉnh đầu tức là đã có chồng - PV) cầm tay nhau hát bài dân ca: “Kinh khửu huôm bó cựa/ Khí hưa huôm ta bải/ Ải cánh Noọng huôm nén liêu/ Panh xương nghịa păn pi nhá liêu” (Ăn cơm chung nguồn muối/Xuống suối chung thuyền chèo/Anh với em chung thủy đừng phai/Yêu thương ngàn năm đừng quên).

Trong khi múa xòe, theo phong tục của người Thái, phụ nữ có quyền được đổ rượu vào miệng người khác giới. Theo cách giải thích của ông Tiến, đây không phải là cách ép rượu, mà thể hiện tình cảm và sự hiếu khách của người Thái đen ở Điện Biên.

Theo chân đồng bào Thái dự nghi thức linh thiêng ảnh 3Tục đổ rượu

Có một phòng cấm

Trong quần thể nhà sàn của người Thái đen ở Điện Biên, dù là theo phong cách truyền thống hay cách điệu thì luôn có một phòng cấm: Cấm người lạ, cấm cả dân bản và những người không cùng huyết thống bước vào. Chủ nhà, anh Quàng Pác Hạnh cho biết: “Gian phòng cấm chỉ chiếm một góc nhỏ trong khu nhà sàn. Đó là nơi thờ tự vong linh tiên tổ. Linh hồn người đã khuất ngự trong những cái túi thổ cẩm nhỏ được treo lên trên cao. Căn phòng là nơi tổ tiên yên nghỉ nên người sống phải tuyệt đối giữ gìn không  cho người lạ được bước vào”.

Còn theo ông Lò Văn Tiến, người Thái đen rất tôn kính tổ tiên, căn phòng cấm phải luôn được quét dọn sạch sẽ. Khi làm nhà, khu phòng cấm phải được tính toán đầu tiên. Thông thường, người Thái hay đặt phòng cấm ở góc nhà phía tay phải, căn phòng này không có cửa đóng để linh hồn người đã khuất được tự do ra vào.

4 giờ chiều, tiếng trống xòe nhạt dần. Tưởng cuộc vui đã đến hồi kết, nhưng không ngờ, đó mới chỉ là “giờ giải lao hiệp đầu” vì theo lời ông Trưởng bản Na Có: “Dân bản lại bắt tay vào giết gà mổ lợn cho bữa ăn tối. Ăn uống xong, dân bản lại tiếp tục múa xòe và uống rượu, cuộc vui sẽ kéo dài vài ngày tùy vào điều kiện của gia chủ”.

Theo chân đồng bào Thái dự nghi thức linh thiêng ảnh 4Ngôi nhà sàn mới làm xong của gia chủ Quàng Pác Hạnh

“Mừng tân gia là một trong những nghi thức linh thiêng của người Thái ở Điện Biên. Tuy nhiên, với mỗi bản làng phong tục lại khác nhau đến mức kỳ lạ. Riêng ở Na Có, tuy điều kiện kinh tế phát triển nhưng những phong tục cổ vẫn được lưu giữ khá đầy đủ. Làm được ngôi nhà mới, đối với người Thái không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn là một trong những điều cần thiết nhất khi tách ra ở riêng”.

Ông Lò Văn Tiến (Trưởng bản Na Có, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)