Thêm người dọn, sẽ bớt người xả rác

ANTĐ - Cùng thời điểm lãnh đạo thành phố phát đi lời kêu gọi thay đổi thói quen gây hại môi trường, ngày 5-6, tại đường Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội), anh Gus, người Scotland cùng nhóm 10 bạn trẻ Việt Nam đã dành 8 tiếng để dọn sạch bãi phế thải tồn tại từ lâu ở đây với phương châm: “Thêm người dọn thì sẽ bớt người xả rác”.

Thêm người dọn, sẽ bớt người xả rác ảnh 1Anh Gus, người Scotland cùng nhóm bạn trẻ Việt Nam dọn rác ở đường Xuân Diệu
(ảnh cắt từ clip của vnexpress)

Để khách đến chơi quét hộ nhà

Theo những người dân sống xung quanh khu vực, không hiểu bãi rác trên hình thành từ bao giờ, chỉ thấy nó cứ dần phình to, cứ dọn đi lại có người mang ra vứt, từ đệm mút cũ đến các loại đồ dùng sinh hoạt bỏ đi, và nhiều nhất là xốp, loại rác có đến cả trăm năm cũng không phân hủy.

Bãi rác đó tồn tại ở vệ đường Xuân Diệu, một con đường đẹp nối liền các khu biệt thự vốn có khá nhiều người nước ngoài sinh sống, trở thành một hình ảnh rất tức mắt.

Chuẩn bị đầy đủ cào, thúng, găng tay…, anh Gus cùng nhóm bạn trẻ Việt Nam bắt tay vào dọn bãi rác này. Anh Gus chia sẻ, khi được một người bạn gửi cho xem clip dọn rác con mương ở phường Yên Hoà của nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ Hà Nội sạch), anh thấy cần hỗ trợ nhóm làm những việc như thế này.

“Bởi vì ở đó rác rất nhiều, thêm người dọn thì sẽ bớt người xả rác”, anh bày tỏ. Trong clip được ghi lại, người ta còn thấy hai cậu bé chừng 6-7 tuổi cũng hăng hái tham gia dọn rác cùng nhóm. 

Chứng kiến hành động của anh Gus cùng các bạn trẻ, anh Raja, người Pakistan, sống tại đường Xuân Diệu rất ủng hộ và cho biết: “Chỗ này rất bẩn, tôi vẫn nhắc mọi người không đổ rác ở đây nhưng cứ sau một đêm là lại ngập rác”. Chính vì vậy, sau khi dọn xong, nhóm tình nguyện đã treo biển khuyến cáo “Hãy chung tay giữ sạch môi trường. Đừng xả rác”.

Việc làm của anh Gus cùng nhóm bạn trẻ khiến nhiều người nhớ lại cách đây hơn nửa tháng, anh James Joseph Kendall, người sáng lập nhóm Keep Hanoi Clean cùng các bạn bè là người nước ngoài và người Việt Nam đã cùng nhau lội xuống con mương ở phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) để nhặt rác, làm sạch nước.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp mặt, cảm ơn anh James cùng nhóm bạn đã chung tay cùng cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố.

Khi kêu gọi là chưa đủ

Việc người đứng đầu chính quyền thành phố gặp gỡ, cảm ơn và tận tay gắn logo Hà Nội lên áo anh James Joseph Kendall đáng lẽ phải truyền cảm hứng để thúc đẩy những hành động đẹp tương tự diễn ra.

Song dường như nó không tác động nhiều đến người dân đang sống ở Hà Nội, hoặc nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở những lời thán phục. Thậm chí, đang tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân hoàn toàn “miễn nhiễm” với những việc tốt, những lời kêu gọi giữ gìn môi trường ở xung quanh.

Ai dọn thì cứ dọn, còn họ thì cứ xả. Muốn sạch nhà mình nên họ xả rác ra đường, vì đường không của riêng ai, có bẩn cũng không ảnh hưởng đến mình. Có những người ngồi đâu là xả rác ra đó, người đi rác ở lại. 

Một thực trạng nữa cần được báo động đó là việc những người lớn thiếu ý thức lại tiếp tục làm hư con trẻ. Trong khi ở trường, trẻ được dạy phải vứt rác đúng chỗ, phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thì khi đi ra đường, đến nơi công cộng lại được bố mẹ “khuyến khích” vứt túi bánh, vỏ kẹo, que kem tùy tiện bất cứ nơi nào.

Có đứa trẻ cự lại thì bố mẹ còn trừng mắt quát. Thói quen xấu đó lập tức thay thế cho hành động đúng được dạy ở trường, trẻ lớn lên và tiếp tục trở thành một người trưởng thành vô ý thức, ích kỷ, vị thân.

Một bạn trẻ chia sẻ trên mạng sau khi xem clip người nước ngoài dọn rác: “Có lần mình cùng bạn đi chơi, chị gái mình nhờ bỏ giúp túi rác. Đứa bạn chở mình ra đường, vài ba lần bảo quẳng túi rác đi, nhưng mình vẫn không quẳng, và khi đến tận nơi có thùng rác mình mới bỏ vào. Mình thấy bạn có vẻ hơi ngại nhưng không dám nói. Vì bạn sống ở Hà Nội còn mình thì tỉnh lẻ”.

Chính vì sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ trong cư dân thành phố, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ ý kiến cá nhân, cho rằng chỉ khuyến cáo, kêu gọi bảo vệ môi trường là chưa đủ.

Một bạn có nick Nhathynguyen đề xuất: “Nên có một lực lượng bảo vệ môi trường hoạt động khắp cả nước, chụp hình người vi phạm đăng lên báo hay ti vi, phạt tiền thật nặng, lấy tiền đó bỏ vào quỹ bảo vệ môi trường hay trả phí cho nhân viên môi trường. Khi con người không có ý thức thì hãy dùng pháp luật”. 

Trong Luật bảo vệ Môi trường đã có hẳn một chương về Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư. Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ cũng đã quy định rất chi tiết mức phạt tiền với các hành vi gây mất vệ sinh chung.

Song hầu như chưa có ai bị phạt vì vứt rác bừa bãi ra đường, nên hành vi này vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi. Để rồi người nước ngoài đến Hà Nội thấy bức xúc nên xắn tay vào dọn dẹp, và hôm sau, rác lại vẫn ngập ra.