Thay đổi văn hóa tái chế: Biến quần áo cũ thành vật liệu xây dựng

ANTD.VN - Mới đây, một Giáo sư và nhóm sinh viên của trường Đại học New South Wales (Australia) đã tái chế những chiếc quần áo dư thừa, bị lỗi hoặc quá cũ không sử dụng thành một loại vật liệu xây dựng vô cùng hữu ích.

Thay đổi văn hóa tái chế: Biến quần áo cũ thành vật liệu xây dựng ảnh 1Có thể biến những chiếc quần áo cũ thành những vật liệu như gỗ, gốm sứ, hoặc đá

Vật liệu xây dựng chống thấm nước và chống cháy

Công trình nghiên cứu trên được Giáo sư Veena Sahajwalla, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu Vật liệu bền vững cùng Đội nghiên cứu sinh của trường Đại học New South Wales (Australia) thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã thu thập các loại quần áo cũ từ các thùng rác hoặc các sản phẩm bị lỗi từ các công ty sản xuất thời trang, sau đó nhóm đã loại bỏ những vật cứng có trên quần áo như dây lưng, khóa, cúc và khóa kéo… 

Từ những hỗn hợp sợi bông, polyester, nilon và các loại vải khác sẽ được xử lý cắt bằng một máy cắt hạt mịn. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xử lý nhiệt bằng hóa chất để giúp cho các thành phần chất xơ có trong hỗn hợp trên có thể kết dính với nhau hơn nữa. Tiếp theo đó, các sợi vải này được ép lại với nhau bằng nhiệt độ thích hợp để tạo ra các tấm ván ô, có thể được sử dụng làm sàn nhà hoặc xây tường. Các ván ô này được chứng minh là có độ bền cao, chịu lực tốt, chống thấm nước, chống cháy. Tuy nhiên, các đặc tính này có thể được tinh chỉnh dựa trên sợi vải được sử dụng để làm ra nó. 

“Nếu cần thiết chúng ta có thể biến những chiếc quần áo cũ thành những vật liệu chúng ta mong muốn như gỗ, gốm sứ, hoặc đá… thì chúng ta cần đưa thêm các phụ gia khác vào hỗn hợp để phù hợp với tính năng của sản phẩm tái chế. Sản phẩm không chỉ có tính năng bền, chịu lực có thể làm tấm lát sàn hoặc xây tường mà còn tạo ra những vật liệu khác có tính năng cách âm, cách nhiệt…”, Giáo sư Sahajwalla cho biết.

Hiện nhóm nghiên cứu của Sahajwalla đã xây dựng một xưởng tái chế nhỏ ở tầng hầm của tòa nhà Đại học New South Wales. Họ đang tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình, mở rộng quy mô tái chế quần áo cũ, và tiến tới sản xuất vật liệu xây dựng mới này.

Thay đổi văn hóa tái chế

Theo ước tính, hàng năm có hàng triệu tấn quần áo cũ không sử dụng nữa được đem bỏ ra các bãi rác thải, điều này không chỉ gây nguy hại cho môi trường, sức khỏe con người mà theo các nhà nghiên cứu của New South Wales thì còn rất lãng phí. Năm ngoái, chuỗi siêu thị Sainsbury’s đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy ¾ số người tiêu dùng sẽ vứt bỏ những chiếc quần không mong muốn thay vì tái chế hoặc quyên góp chúng làm từ thiện. Điều này quá lãng phí!

Việc “giải độc” có nghĩa là thanh lọc lại tủ quần áo cá nhân hàng năm cũng cho thấy kết quả sau đó là cả hàng triệu tấn quần áo bị vứt bỏ, vừa gây lãng phí, vừa gây hại tới môi trường. Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên trên thế giới biến quần áo bỏ đi thành vật liệu xây dựng và đang kết hợp với các nhà nghiên cứu châu Âu để tái chế chúng thành dạng thảm mềm, sử dụng chúng làm vật cách âm, cách nhiệt bên trong sàn và tường nhà.

Trước đó, Công ty Tái chế Jeplan (Nhật Bản) cũng chiết xuất sợi cotton từ quần áo cũ đã qua sử dụng để biến chúng thành nhiên liệu ethanol. Theo Jeplan, cứ 1 tấn quần áo cũ có thể cho ra khoảng 700 lít ethanol, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, đất mà có thể được sử dụng để trồng trọt, chế biến thực phẩm. Tái chế nhựa, giấy, hay kim loại là điều bình thường nhưng việc tái chế quần áo cũ thì dường như bị lãng quên nên “chỉ có khoảng 10% lượng quần áo bỏ đi được tái chế mỗi năm”, Masaki Takao, CEO của Jeplan cho biết. 

Bên cạnh đó, Jeplan đã thương lượng với các nhãn hàng thời trang thể thao, các đội bóng đá trên toàn thế giới về sáng kiến tái chế quần áo. Có thể bằng cách này, Jeplan sẽ có được lượng người hâm mộ hùng hậu kêu gọi chiến dịch quyên góp quần áo bỏ đi và chúng ta hãy hy vọng tạo ra một sự thay đổi về văn hóa tái chế.

Ngày nay, xu hướng thời trang rẻ tiền và thay đổi mẫu mã quá nhanh khiến các sản phẩm may mặc thừa hoặc bỏ đi sau một vài mùa sử dụng đã tạo ra hàng triệu tấn rác thải hàng năm. Điều này thật quá nguy hại đối với môi trường bởi thời gian phân hủy của chúng không những lâu mà còn thải ra môi trường nhiều chất độc hại và khí thải nhà kính.