Thay đổi phương án thi THPT quốc gia 2018: Nhà trường đồng tình, học sinh lo lắng

ANTD.VN - Phương án bài thi tổ hợp THPT quốc gia 2018 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến khiến học sinh và phụ huynh lo lắng.

Thay vì chấm từng bài trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, Bộ      GD-ĐT đang lấy ý kiến về việc chấm gộp các môn thành phần trong hai tổ hợp này thành điểm một bài thi. Nếu thay đổi theo cách thức này, học sinh sẽ phải thay đổi cách học đồng đều cả 3 môn thi thành phần thay vì chỉ cần tập trung vào môn xét tuyển đại học và chỉ cần đạt điểm trung bình các môn còn lại để đỗ tốt nghiệp.

Thay đổi phương án thi THPT quốc gia 2018: Nhà trường đồng tình, học sinh lo lắng ảnh 1Học sinh đang mong Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2018

Trường đại học ủng hộ chấm gộp

Đề xuất mới của Bộ GD-ĐT về phương án thi THPT quốc gia 2018 để lấy ý kiến các sở và trường ĐH là chuyển hướng bài tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Thay vì tách riêng 3 môn thi thành phần, Bộ sẽ “trộn” kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm sẽ được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần. 

Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Đặng Đình Đại cho biết, ông ủng hộ phương án 2. Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi. Cách tổ chức này sẽ khắc phục được tình trạng gian lận nếu làm 3 bài riêng biệt nhưng trên một phiếu trả lời như năm 2017 khi thí sinh vẫn có thể nhớ đề và làm bài thi tiếp tục vào thời gian thi môn sau.

Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cũng ủng hộ phương án 2. Theo ông Bùi Đức Triệu, với các trường xét tuyển khối tự nhiên, ngoài môn Toán là môn bắt buộc thì việc lấy điểm bài thi tổ hợp với cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh sẽ càng toàn diện hơn. Tương tự, trường đại học xét tuyển theo khối xã hội sẽ có điểm môn Văn và Khoa học xã hội, tăng thêm được môn Giáo dục công dân. 

Với cách tổ chức này, học sinh ôn thi đại học sẽ phải tập trung học đều hơn ở tất cả các môn thay vì chỉ tập trung vào 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học. Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng: “Nếu phương án 2 được lựa chọn sẽ tác động rất tốt đến người học và không bị học lệch. Chẳng hạn, nếu các em chọn khối Khoa học tự nhiên sẽ hoàn toàn học đều môn Toán, Lý, Hoá, Sinh”.

Không muốn mất ổn định trong thi cử

Trong khi các trường đại học mong muốn có căn cứ tốt hơn để phục vụ xét tuyển đại học thì với bậc phổ thông, nhiều thầy cô, học sinh đều lo lắng chờ đợi quyết định của Bộ GD-ĐT về việc có thay đổi kỳ thi THPT quốc gia 2018 theo phương án mới hay không.

“Việc đổi mới là cần thiết, nhưng đổi mới theo hướng nào phải cân nhắc thật kỹ, tránh đổi mới liên tục, cơ sở không theo kịp sẽ khiến giáo viên, học sinh hoang mang”.

Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Đặng Đình Đại

Mặc dù ủng hộ phương án 2 nhưng ông Đặng Đình Đại cũng chỉ ra rằng, nếu thực hiện phương án này, Bộ lại phải nghiên cứu và làm rõ cấu trúc đề thi, cách chấm điểm sớm cho học sinh và giáo viên làm quen. Theo Hiệu trưởng Đặng Đình Đại, việc đổi mới là cần thiết, nhưng đổi mới theo hướng nào phải cân nhắc thật kỹ, tránh đổi mới liên tục, cơ sở không theo kịp sẽ khiến giáo viên, học sinh hoang mang. Đặc biệt, dù kỳ thi THPT quốc gia 2017 được thực hiện trôi chảy nhưng đã tốn rất nhiều công sức trong dạy và học của học sinh, giáo viên để thích ứng với những đổi mới trong kỳ thi này. 

Lo ngại về những thay đổi của kỳ thi sắp tới, Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết, hiện em và các bạn rất băn khoăn. Việc học đuổi thêm 2 môn nữa trong bài thi tổ hợp để đạt điểm tốt nhất khi xét tuyển đại học hoàn toàn không dễ như mọi người nghĩ khi mà tổng số môn học sinh phải ôn tập trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ lên tới ít nhất là 6 môn. 

“Hiện tại, để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT và đạt được mục tiêu đỗ đại học, học sinh lớp 12 đã xác định và đầu tư cho các môn học cụ thể, có phương án ôn luyện, bổ sung từ 2 năm trước. Nay, nếu thay đổi thì trong một năm học lớp 12 sẽ khó có thể đạt được mức điểm cao nhất với những môn học không được đầu tư từ lớp 10” – Hà Anh chia sẻ. Việc thay đổi hay không rất cần được Bộ   GD-ĐT sớm công bố để học sinh yên tâm học tập trước một kỳ thi đặc biệt quan trọng trong 9 tháng tới.