Thay đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ thay đổi giấy tờ cá nhân

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Năm 2016, tôi quyết định phẫu thuật chuyển đổi giới tính, dù bị người nhà phản đối kịch liệt. Kết quả, tôi được như mong muốn nhưng lại bị bố mẹ từ mặt. Gần đây do có việc nên tôi phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục, chuyển đổi các loại giấy tờ tùy thân. Biết chuyện, mẹ tôi tác động và cán bộ địa phương gây khó dễ, không cho tôi sửa đổi giấy tờ...  Xin hỏi việc gây khó dễ đó có phạm luật không? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Đào Cẩm Tú (Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời: 

Thay đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ thay đổi giấy tờ cá nhân ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà phải có sự can thiệp của y học để xác định rõ giới tính (về mặt sinh lý). Ngoài các trường hợp này thì cá nhân không có quyền yêu cầu xác định lại giới tính.

Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017) thì ngoài việc cá nhân có quyền xác định lại giới tính theo Điều 36, còn có quyền chuyển đổi giới tính theo Điều 37. Cụ thể, điều luật này quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Như vậy theo quy định của Bộ luật Dân sự, ngoài việc bạn có quyền thì còn có nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch cũng như có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã chuyển đổi. 

Tuy nhiên, Luật Hộ tịch năm 2014, tại khoản 2, Điều 3 nêu rõ: “Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, trong đó có nội dung tại điểm c là “xác định lại giới tính”. Thế nhưng với quy định này thì hiện chưa thể khẳng định được việc “chuyển đổi giới tính” có phải được công nhận theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay không. Bởi Luật Hộ tịch ban hành và có hiệu lực trước Bộ luật Dân sự 2015.

Thay đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ thay đổi giấy tờ cá nhân ảnh 2Cá nhân chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.  ẢNH: LAM THANH

Về việc nhân viên hành chính địa phương nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú không cho bạn hiệu chỉnh giấy tờ cá nhân, thậm chí gây khó dễ, khiến bạn phải đi lại nhiều lần nhưng lại không đưa ra được lý do chính đáng thì nhân viên hành chính đó đã vi phạm Luật Cán bộ công chức 2008.

Theo đó, Điều 3 của luật này quy định về các nguyên tắc trong thi hành công vụ. Cụ thể, cán bộ, công chức phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát...

Tương tự, tại Điều 18 của Luật Cán bộ, công chức cũng nêu rõ những hành vi mà cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ là: “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức”.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần gặp trực tiếp lãnh đạo chính quyền địa phương để phản ánh và đề nghị được giải quyết hoặc bạn cũng có thể khiếu nại hành vi hành chính của nhân viên hành chính đó đến Chủ tịch UBND xã, phường sở tại, theo Luật Khiếu nại.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.