Thanh niên Việt lười vận động, thấp còi là đương nhiên!

ANTĐ - Trong thời gian qua, nhiều tờ báo đã liên tục đề cập tới một thực trạng buồn của “nguồn tài nguyên quý giá” quốc gia: Thanh niên Việt Nam có thể lực kém và chiều cao vào loại thấp nhất thế giới. Nhiều lời kêu gọi cải thiện đã được đưa ra, nhưng trong số đó, không ít chỉ xoay quanh “hình thức” mà quên đi yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy mỗi thanh niên thay đổi lại nằm ở… ý thức.

Đứng trước những thông tin về thể lực kém của thanh niên Việt, dư luận đã tỏ ra rất đồng tình. Bởi nhìn qua nhìn lại, ai cũng công nhận các nam thanh nữ tú ở nước ta mê ngồi café, trà chanh “chém gió”, giải trí trước màn hình điện tử… hơn là vận động để giữ sức khỏe mỗi ngày.

“Đúng vậy! Buổi sáng tầm 6 giờ, tôi ra công viên thì chỉ thấy các ông bà già tập chạy, tập đi bộ, chứ hiếm có thanh niên nào góp mặt lắm!”

“Chạy bộ quanh hồ, các ông bà già còn làm được 1-2 vòng, trong khi nhiều thanh niên hứng lên chạy được nửa vòng đã buông xuôi”.

“Các thanh niên ngồi ì người uống café cả vài tiếng đồng hồ không sao, nhưng khi phải leo bộ 3 tầng vì thang máy mất điện thì họ thở hổn hển không ra hơi, kêu mệt kêu mỏi suốt!”

Đó là những ý kiến bình luận phổ biến xuất hiện trên mạng internet sau luồng thông tin về “sức khỏe yếu” của các thanh niên Việt.

Hiện nay, chủ yếu những bậc trung niên, cao tuổi mới quan tâm tới việc tập luyện thể dục thường xuyên

Ngay lập tức, để phản ứng trước thực trạng buồn này, nhiều kế hoạch đã được đưa ra, nhưng đáng buồn là, không ít trong số đó vẫn còn mang nặng tính hình thức.

Như xây dựng các mô hình tập luyện kiểu phương Tây, phát động cuộc thi chạy trên diện rộng… Nhưng trong đó, tập luyện kiểu phương Tây mà không gây được sự hứng khởi cho bạn trẻ, thi chạy với cả nghìn người tham gia mà quá nửa chỉ… đi bộ và chụp ảnh “tự sướng”... Đó chỉ là cách giải quyết mang tính hình thức quen thuộc mà thôi!

Theo tâm sự của nhiều bạn trẻ, ban đầu họ đến với việc tập luyện là do bị “ép buộc” – để vượt qua các kỳ thi thể dục ở trường, hoặc là do bạn bè rủ rê, đi tập theo phong trào cho “thay đổi không khí”.

Nhưng cái động lực ban đầu này lại thường có tác dụng ngược, vì khi không có người tập luyện kinh nghiệm theo cùng, thì chỉ sau vài buổi, người mới tập bị đau nhức cơ nên sẽ nhanh chóng bỏ cuộc. Mà càng để tâm lý này duy trì, người ta lại càng sợ hãi khi nghĩ tới việc tập luyện, dẫn tới kết quả là đa số thanh niên Việt đều nói “không” với thể dục thể thao hằng ngày.

Cũng từ đây, rất nhiều lý do đã được đưa ra để bao biện cho thói quen “ưa nằm/ngồi hơn vận động” của mình, như “không có thời gian”/”không có đủ trang thiết bị tập luyện”/”đã quá mệt mỏi với công việc hằng ngày”…

Thực ra, một khi đã có ý thức giữ gìn sức khỏe thì dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi người đều có thể tập luyện đều đặn mỗi ngày.

Trong cộng đồng của những người chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, có nhiều lý do để họ duy trì điều này: Có người vì “mê mẩn” nét đẹp rắn rỏi, săn chắc của cơ thể, có người lại lấy việc tập luyện là động lực để tạo ra sức mạnh hoàn thành các công việc khó khăn, vất vả hằng ngày trong cuộc sống, có người vì muốn giữ sức khỏe sau một cơn bạo bệnh và nhận ra sức khỏe không phải là thứ “trời cho” và tự nhiên có, mà phải rèn luyện mỗi ngày…

Tựu chung lại, những người này đều có điểm chung là ý thức tập luyện mọi lúc mọi nơi, bất kể hoàn cảnh không gian, thời gian và công việc có vất vả thế nào.

Tác giả bài viết hiện đang chăm con nhỏ, nhưng chưa lúc nào có ý định từ bỏ việc tập luyện hằng ngày: Tập nặng thì mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, tập bền với cường độ nhanh, mạnh thì mỗi hiệp cũng không kéo dài quá 5 phút. Tập 3-5 hiệp như vậy với thời gian nghỉ giữa hiệp khoảng 5 phút thì cũng chỉ mất 30-45 phút mỗi ngày.

Như vậy, không thể nói “do thiếu thời gian”. Trang thiết bị tập luyện cũng hoàn toàn do mình chủ động, có thể chỉ là khoảng không gian đủ để duỗi người, hít đất, hoặc khi đã ham mê thì việc đầu tư 1-2 triệu đồng cho bộ xà mini, tạ tay… không phải là vấn đề quá lớn. Chỉ với những dụng cụ đơn giản đó, nếu biết tập luyện theo các bài khác nhau thì cũng… đủ dùng trong một thời gian dài.

Một loại công cụ tập luyện tại gia phù hợp với không gian chật hẹp, có thể tập nhiều bài và nhanh chóng cất gọn khi xong xuôi

Nhiều người có ý thức đã phải tập luyện trong những hoàn cảnh rất khó khăn: Đầy mùi dầu mỡ rán nấu (tranh thủ tập trong giờ nấu ăn của gia đình), vừa tập vừa rửa bát đũa, lau nhà cửa… trong khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp, hay chỉ nghỉ vài phút trước khi bước vào tập, trong khi trước đó đã di chuyển quãng đường vài trăm KM về nhà… Nhưng như đã đề cập ở trên, mọi thứ chỉ có thể thực hiện được nếu như người trong cuộc thực sự có ý thức tập luyện.

Vậy nên, nếu như muốn thanh niên Việt thoát thực trạng thể lực kém, những nhà làm chính sách cần tìm ra cách thổi động lực, tạo ra ý thức tập luyện trong mỗi người. Chẳng hạn như những cuộc thi thể thao nghiêm túc ở địa phương, lôi kéo được nhiều người tham gia (chứ không phải “chạy phong trào") để mỗi người tự đánh giá thể lực của bản thân và từ đó thay đổi. Hay các sân tập với trang thiết bị tối thiểu dành cho mỗi khu dân cư, như phong trào “thể thao hóa toàn dân” mà nước láng giềng Thái Lan đã và đang làm rất tốt, để xây dựng được những thế hệ giàu thể lực, từ đó làm bước đà nâng trí lực cho “nguồn tài nguyên quý giá” của quốc gia.

Cần nhiều hơn nữa những "phòng tập" tiện lợi thế này để khích lệ nhiều người dân tập luyện thể dục thể thao hằng ngày

Những điều này đâu phải lần đầu đươc nói tới, nhưng sao mãi chưa thấy trở thành hiện thực, mà vẫn chỉ là những cuộc chơi màu mè “hình thức” được phát động hằng năm, khiến thể lực của thanh niên Việt mãi vẫn xếp hạng… lẹt đẹt?