Tháng 2/2020: Áp dụng quy định mới nhất về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

ANTD.VN - Chính sách mới về bồi thường khi thu hồi đất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn bị phạt tới 45 triệu đồng, cơ sở giáo dục đại học phải công khai về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử… cùng hàng loạt quy định quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2020. 

Nghị định 06/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nêu rõ, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung, thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020,  tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47/CP.

Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất sẽ được thực hiện theo quy định mới

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung như: Các quy chế, quy định nội bộ; Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này còn phải công khai kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; Đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; Chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, các mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm; Chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; Chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng cũng phải được thông báo công khai để sinh viên được biết. Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/2/2020.

Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại bổ sung thêm một tiêu chuẩn mới để được bổ nhiệm làm Thừa phát lại là “Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại”. Ngoài ra, Nghị định cũng giới hạn độ tuổi được bổ nhiệm Thừa phát lại là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam.

Đặc biệt, Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định, từ 24/2/2020, Thừa phát lại không được “kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản”

Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Nghị định bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.

Ngoài ra, Nghị định còn đưa ra quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính khi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, phạt tiền từ 40-45 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau:

Thuốc hết hạn sử dụng; không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; Thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 30 kilôgam (hoặc 30 lít) đến dưới 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm; Thuốc không có tên trong Danh Mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng.

Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức bổ sung chế độ báo cáo đối với công chức, viên chức đi công tác nước ngoài.

Theo Thông tư này, từ 10/2/2020, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị đi công tác nước ngoài không theo đoàn, đề nghị gửi báo cáo kết quả chuyến công tác cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý công chức, viên chức trong việc đi công tác nước ngoài.

Trước ngày 20/12 hàng năm, các đơn vị gửi báo cáo công tác quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức, tổng hợp kết quả chuyến công tác nước ngoài, số lượng văn bản ký kết trong các chuyến công tác (nếu có), việc triển khai kết quả chuyến công tác về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn theo Thông tư 10/2019/TT-BTP về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ 12/2/2020 không giới hạn tuổi bổ nhiệm lần đầu với chức danh Giám đốc Sở Tư pháp.