Tháng 12/2018: Hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực thi hành

ANTD.VN -Không được tổ chức họp kết hợp tham quan, nghỉ mát; Vụ án có  bị cáo dưới 18 tuổi được xét xử tại Phòng thân thiện; Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ; 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh, có bằng trung cấp luật được dạy lý thuyết lái xe…là những chính sách mới quan trọng sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018.

Quyết định 45/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/12 về chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước quy định 5 trường hợp không tổ chức họp, trong đó có: Họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp…

Theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TANDTC, từ 1/12, những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ được xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.

Với vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, Tòa án phải xét xử kín. Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc để bảo vệ bí mật đời tư cho người dưới 18 tuổi thì cũng có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Đặc biệt, Thông tư này còn quy định, không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Nghị định 138/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe nêu rõ: Từ 1/12, giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc chuyên ngành khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên. Riêng giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng lái xe trở lên.

Từ 1/12/2018, người có bằng trung cấp Luật được dạy lý thuyết lái xe

Thông tư 27/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập quy định, từ 10/12, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ngoài việc được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo như quy định trước đây còn có thể được xếp vào các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo.

Nghị định 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí đến năm 2020 – 2021 đã bổ sung thêm một trường hợp được miễn học phí, bên cạnh 15 trường hợp đã được quy định trước đây.

Cụ thể, từ năm học 2018 - 2019 (từ 1/9/2018), miễn học phí đối với trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Nghị định có hiệu lực từ 1/12.

Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương, tiền lương được tính như sau: Từ 15/12, tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.

Nghị định 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20-29 năm 6 tháng.

Từ 24-12, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.

Cụ thể, nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH. Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH….

Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/12.

Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Từ 1/1/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.

Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đó, từ 1/12, hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với 5 trường hợp: người có công với cách mạng; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn…; chi phí KCB tại tuyến xã; chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở. Các trường hợp khác, mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80 - 95%. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12.

Theo Nghị định 150/2018/NĐ-CP, một số điều kiện hoạt động đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được điều chỉnh từ 24/12. Cụ thể, phải có ít nhất 1 nhân sự quản lý nội dung thông tin và 1 nhân sự quản lý kỹ thuật thay vì chỉ có tối thiểu 1 người như trước đây. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng tên miền có dãy ký tự giống nhau.